Giải tỏa áp lực cho hạ tầng giao thông tại Hà Nội: Kiên trì mục đích hạn chế xe cá nhân

Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực trạng kém phát triển của vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) hiện nay là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy trên địa bàn Hà Nội.

Muốn quản lý tốt, tiến tới hạn chế một cách có hiệu quả phương tiện giao thông cá nhân, Hà Nội cần chú trọng đầu tư tạo đà cho VTHKCC đi trước một bước.
Mất cân đối nghiêm trọng

Theo thống kê, ở Hà Nội có 5.045.672 xe máy, mỗi năm tăng thêm khoảng 400.000 chiếc (7,66%); 546.057 ô tô, mỗi năm tăng thêm khoảng 60.000 chiếc (12,9%). Trong khi đó, mạng lưới VTHKCC của Hà Nội mới chỉ có xe buýt và một tuyến VTHKCC khối lượng lớn là xe buýt BRT Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa. Tốc độ tăng trưởng của xe buýt trung bình là 1,4%; mỗi năm chỉ đưa vào hoạt động thêm được khoảng 200 xe. Tỷ lệ phương tiện tại Hà Nội là: 0,16 xe buýt/1.000 dân; 49,8 ô tô con/1.000 dân; 682 xe máy/1.000 dân. Sự mất cân đối nghiêm trọng đó đã thể hiện rõ tình trạng người dân ưa chuộng phương tiện cá nhân và ít quan tâm, sử dụng phương tiện VTHKCC như thế nào. Và tất yếu, khi tại một TP có đến gần 90% người dân sử dụng xe máy, ô tô con làm phương tiện đi lại thường xuyên thì kết cấu hạ tầng giao thông không thể đáp ứng nổi, dẫn đến ùn tắc, rối loạn giao thông, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hạn chế phương tiện cá nhân để tránh ùn tắc và giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh:  Hải Linh

Do vậy, muốn hạn chế phương tiện cá nhân, cách duy nhất là hệ thống VTHKCC phải thật sự phát triển đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Để đạt được điều đó cần có hệ thống chính sách ưu tiên cho sự phát triển VTHKCC.

Thủ đô Hà Nội hiện nay, mặc dù đã có các dự án VTHKCC khối lượng lớn như đường sắt đô thị, xe buýt BRT nhưng xe buýt thông thường vẫn giữ vai trò chủ đạo trong mạng lưới VTHKCC. Thế nhưng mức độ đáp ứng của xe buýt lại đang ở mức thấp; đây cũng chính là nguyên nhân dẫn đến gia tăng nhanh chóng các phương tiện cá nhân. Trong bối cảnh đó, hạn chế phương tiện giao thông, đặc biệt là hạn chế xe máy sẽ thực sự khó khăn đối với Hà Nội. Muốn tiến hành một cách có hiệu quả, cần nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó, phát triển VTHKCC, nhất là xe buýt, phải đi trước một bước, tạo tiền đề cho việc đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, từ đó mới có thể vận động người dân từ bỏ xe máy.

Ưu tiên cho xe buýt

Để có chính sách ưu tiên cho sự phát triển VTHKCC bằng xe buýt, cần có sự nhất quán đồng thuận trong quản lý điều hành, phát triển hệ thống VTHKCC; tạo điều kiện cho các DN tham gia cung ứng dịch vụ VTHKCC ở Hà Nội. Song song với đó là phát triển mạng lưới tuyến hợp lý giữa các khu vực; nâng cao tính kết nối giữa các tuyến hoạt động trong nội thành với ngoại thành; khu vực nội thành cũng cần đảm bảo tính liên thông giữa các tuyến, mở rộng vùng phục vụ. Kết cấu của mạng lưới tuyến phải đầy đủ, chi tiết với các tuyến trục, tuyến nhánh và tuyến gom. Ngoài ra cần có thêm các tuyến phục vụ trực tiếp đối tượng đi lại tại trường học, khu công nghiệp...

Tập trung đầu tư cho hạ tầng VTHKCC, nhất là các điểm đầu cuối, làn đường dành riêng cho xe buýt. Mặt khác phải bố trí quỹ đất làm giao thông tĩnh kết hợp với điểm đầu cuối, dừng chờ, hậu cần phục vụ xe buýt để hạn chế phương tiện cá nhân vào TP. Đầu tư đúng mức cho xe buýt nhằm nâng cao chất lượng, đổi mới đoàn phương tiện cho phù hợp với điều kiện khai thác ở Việt Nam. Nâng cao chất lượng đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ, người điều hành, quản lý bằng các tiêu chuẩn cụ thể, nâng cao trình độ chuyên môn, giao tiếp, văn hóa ứng xử. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và điều hành VTHKCC bằng xe buýt, tăng cường hệ thống thông tin phục vụ hành khách tại các điểm đầu cuối, điểm dừng đón trả khách, thông tin trên các cổng thông tin điện tử về VTHKCC. Áp dụng hệ thống vé điện tử, đơn giản và ổn định giá vé tạo thuận lợi cho hành khách đi lại đồng thời tăng cường khả năng quản lý trong VTHKCC.

Đồng bộ các giải pháp

Có thể khẳng định, chỉ khi nào dịch vụ VTHKCC có chất lượng phục vụ tốt, thuận tiện, đủ sức hấp dẫn thì người dân mới tự giác sử dụng dịch VTHKCC. Đồng thời cơ quan quản lý, các nhà khoa học cũng phải kiên trì ưu tiên phát triển VTHKCC, hạn chế xe cá nhân - một loại hình phương tiện vừa tốn kém, thiếu an toàn, vừa gây UTGT, ô nhiễm nghiêm trọng môi trường đô thị. Bên cạnh đó, cũng cần các biện pháp quản lý đồng bộ để kiềm chế sự gia tăng ồ ạt phương tiện giao thông cá nhân.

Ví dụ như việc áp dụng quy tắc phân luồng xe và hạn chế phạm vi hoạt động của xe máy trên các trục đường đã có tuyến xe buýt đi qua để tạo ra lợi thế của xe buýt so với phương tiện cá nhân. Tổ chức các điểm gửi xe máy tại các trục đường chính vào TP. Với những đường phố có xe buýt hoạt động, trong điều kiện cho phép, cần lập dải phân cách bảo vệ làn đường riêng cho xe buýt, kiên quyết không cho xe máy xâm phạm. Quy định các đường xe chạy một chiều để tăng tốc độ lưu hành, giảm UTGT. Cũng có thể tăng chi phí cho việc đi lại bằng xe máy ở các khu vực có mật độ giao thông cao trong TP. Giải pháp này nên cân nhắc áp dụng trước tại những khu vực đã có mạng lưới tuyến xe buýt đủ tiêu chuẩn. Từng bước nghiên cứu áp dụng các giải pháp tài chính tác động trực tiếp vào chi tiêu của cá nhân cho việc đi lại bằng xe máy, ô tô con. Mục đích là để tạo ra lợi thế so sánh tương đối của việc đi lại bằng xe buýt công cộng so với xe cá nhân.
Phải tổ chức giao thông theo hướng ưu tiên tuyệt đối cho VTHKCC trong nội thành, tách vận tải liên tỉnh, quá cảnh ra ngoài Vành đai 3. Trong nội đô cũng hạn chế thương mại trên các trục đường giao thông, duy trì việc bố trí lệch giờ làm việc để kéo dài khung giờ cao điểm tránh xung đột, UTGT.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần