Giải tỏa áp lực giao thông tại Hà Nội: Cần cơ chế tài chính đặc thù

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực trạng hạ tầng đường sá, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) không đáp ứng nổi nhu cầu đi lại đã và đang khiến Hà Nội gặp nhiều thách thức trước áp lực giao thông gia tăng từng ngày.

Nếu không có những cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng và VTHKCC, chỉ ít năm nữa, sẽ chẳng có “phép màu” nào ngăn được “thảm họa” giao thông Hà Nội.
Nguy cơ đã hiện hữu
Nếu không có cơ chế tài chính, đầu tư đặc thù, thì Hà Nội không có cách gì giải quyết được vấn nạn hiện nay và trong thời gian tới, tắc đường sẽ trở thành thảm họa.
Bí thư Thành ủy Hà Nội  Hoàng Trung Hải
Những ngày giáp Tết Đinh Dậu 2017, hầu như không một ngả đường nào trong nội thành Hà Nội không ùn tắc, áp lực giao thông tăng đến mức nghẹt thở. Từ trục chính đến ngõ nhỏ, từ cầu cạn đến hầm chui, từ lòng đường đến vỉa hè, đâu đâu cũng dày đặc người và phương tiện chen chúc nhau, nhích từng chút trong mưa rét, trong sự mệt mỏi. Theo thống kê, Hà Nội hiện có trên 7 triệu người cư trú, riêng nội thành đã có 3,2 triệu dân. Trong khi dân số gia tăng không ngừng, lượng di dân tịnh tiến ở mức 1,4%/năm và 1,9% vào năm 2016; hạ tầng giao thông lại đang phải ì ạch lê từng bước với mức tăng trưởng chỉ chưa đầy 0,4% mỗi năm và chưa đầy 0,3% vào năm 2016. Còn về phương tiện giao thông, Hà Nội hiện có gần 6 triệu ô tô, xe máy các loại, trong đó xe buýt chưa tới 1.700 chiếc, chiếm khoảng 0,003%; taxi khoảng 30.000 chiếc, khoảng 0,05% tổng lượng phương tiện. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng khẳng định: “Không một đô thị hiện đại nào có thể duy trì sự phát triển với mạng lưới giao thông, VTHKCC nghèo nàn đến mức đó”. Ùn tắc giao thông đã trở thành vấn nạn không thể tránh khỏi đối với Hà Nội.

Ùn tắc giao thông trên đường Láng, quận Đống Đa vào giờ cao điểm. Ảnh: Phạm Hùng

Để thoát khỏi vấn nạn trên, Hà Nội phải có sự đầu tư mạnh mẽ để xây dựng, phát triển hạ tầng và các phương thức VTHKCC với nguồn vốn đầu tư khổng lồ dài hạn. Theo Quy hoạch GTVT Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội phải có 8 tuyến đường sắt đô thị, 8 tuyến xe buýt nhanh BRT, 3 tuyến tàu điện một ray và mạng lưới xe buýt thường bao phủ khắp TP. Cùng với những hạng mục hạ tầng: Phát triển không gian ngầm, lối lưu thông trên cao..., Hà Nội cần hàng chục tỷ USD để đầu tư. Nhưng khoản tiền đó từ đâu ra? Câu hỏi này đang khiến chính quyền TP và cả T.Ư đau đầu tính toán. Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dẫn chứng, từ năm 2005 - 2015, Hà Nội chỉ phát hành được 12.905 tỷ đồng trái phiếu để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm. Nếu cộng cả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách địa phương thì tổng mức đầu tư mới đạt 12.417 tỷ đồng, còn thiếu tới 16.428 tỷ đồng mới bảo đảm nhu cầu đầu tư các công trình trọng điểm trong giai đoạn 2012 - 2015, chứ chưa nói tới các công trình đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020. Đại diện Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội nhận xét, so với nhu cầu vốn đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 thì bình quân thưởng vượt thu và đầu tư trở lại cho TP Hà Nội 5 năm qua còn thấp so với quy định, chỉ khoảng 30 - 35%. Mặc dù TP đã được T.Ư bổ sung và hỗ trợ khác khá cao, như khoản vốn gần 2 tỷ USD ODA cấp phát, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển hạ tầng. Chẳng những thế, “cái khó bó cái khôn”, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm, có vai trò cực kỳ quan trọng với giao thông Hà Nội lại quá chậm trễ từ khâu thẩm định, phê duyệt cho tới thực hiện dự án. Đơn cử như: Dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, Nam Thăng Long – Nội Bài... chỉ thời gian trình thẩm định đã mất tới 755 ngày nếu làm đúng theo quy định. Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho rằng: “Áp lực thì tăng từng ngày, Nhân dân mong ngóng từng giờ; công trình thì đâu phải xây dựng trong vài tháng hay vài năm mà xong ngay được, kéo dài ngày nào, khổ dân ngày đó”.
Tìm giải pháp đột phá
Hà Nội đang rất cần những bước đột phá mạnh mẽ, đủ sức để vùng thoát ra khỏi vấn nạn ùn tắc giao thông. Bên cạnh những giải pháp đồng bộ như tìm kiếm phương án tổ chức giao thông hợp lý; tăng cường kiểm soát, siết chặt quy định về giao thông, vận tải; tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân; phát triển hạ tầng và VTHKCC, hạn chế phương tiện cá nhân là nhóm giải pháp cốt lõi, cần được thực hiện trước để làm nền tảng cho cả hệ thống giao thông đô thị. Muốn xây dựng hạ tầng, mở rộng mạng lưới VTHKCC, Hà Nội cần có nguồn vốn đầu tư dồi dào, ổn định. Nguồn vốn đó không thể chỉ trông chờ ở ngân sách TP, các khoản tái đầu tư của T.Ư hay vốn vay ODA, mà cần được mở rộng, tận dụng mọi tiềm lực hiện có một cách hiệu quả nhất.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã đề xuất với Chính phủ phân cấp ủy quyền cho TP được dùng nguồn vốn từ bán quỹ nhà thu 18.000 - 20.000 tỷ đồng; tiền vượt thu ngân sách một số năm, riêng năm 2016 là 10.000 tỷ đồng để đầu tư các tuyến metro.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cũng từng kiến nghị Chính phủ cho Hà Nội được sử dụng tiền cổ phần hóa các DN Nhà nước và tiền cổ tức tại DN có vốn Nhà nước do địa phương quản lý để đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Mới đây, lãnh đạo UBND TP cũng đã đề xuất Chính phủ cho Hà Nội nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách thu khoản đóng góp của chủ đầu tư các dự án công trình sử dụng hạ tầng giao thông, kỹ thuật đô thị chung của TP để tạo nguồn lực đầu tư trở lại cho mạng lưới giao thông, VTHKCC. Những khoản tiền này chính là tiềm lực dồi dào mà Hà Nội đang rất cần để đủ sức ngăn chặn “thảm họa” giao thông đang ngày một cận kề.
Chuyên gia giao thông Đặng Chí Nga nhận định: “Khoản thu đóng góp hạ tầng từ các chủ đầu tư dự án, nhất là chủ đầu tư những tòa nhà cao tầng sẽ là một nguồn lực đáng kể, góp phần phát triển giao thông cho TP. Nó đồng thời cũng sẽ là đòn bẩy nâng cao tinh thần trách nhiệm của họ với cộng đồng, với Thủ đô”.
Một khoản “đầu tư” khác cũng rất quan trọng với Hà Nội hiện nay là quỹ đất dành cho giao thông. Hiện, TP đã có quy hoạch cụ thể các đô thị vệ tinh nhằm giãn bớt dân cư, phân bổ áp lực giao thông một cách đồng đều. Tuy nhiên, các đô thị vệ tinh vẫn chưa thu hút được cư dân, chưa đáp ứng nhiệm vụ đề ra khi quy hoạch. Bởi lẽ, hiện còn quá nhiều các cơ quan, công sở, trường học, bệnh viện... tập trung trong nội thành. Các chuyên gia cho rằng, phải di dời được các “điểm đến” này ra ngoại thành thì mới điều chỉnh được những luồng giao thông hướng đến nó. Bên cạnh đó, sau khi di dời, có thêm quỹ đất, Hà Nội nên để dành đầu tư cho các tụ điểm phục vụ cộng đồng hoặc cho giao thông; hạn chế tối đa việc xây dựng thêm nhà cao tầng trong bối cảnh chưa có nền tảng hạ tầng giao thông đủ sức đáp ứng.
Chính phủ nên cân nhắc, xem xét trao cho Hà Nội thêm quyền quyết định, thực hiện các dự án giao thông trọng điểm, cấp thiết đối với thực tế hiện nay. Tôi tin rằng Hà Nội sẽ làm tốt và có thêm động lực để ngăn chặn, tiến tới đẩy lui ùn tắc giao thông trên toàn TP.
Chuyên gia giao thông  Đặng Chí Nga

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần