Giải tỏa bức xúc cho làng nghề

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiện nay, 2 vấn đề lớn đang trở thành nỗi trăn trở và bức xúc tại các làng nghề trên...

Kinhtedothi - Hiện nay, 2 vấn đề lớn đang trở thành nỗi trăn trở và bức xúc tại các làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội là thiếu mặt bằng sản xuất và ô nhiễm môi trường. Để giải quyết những vấn đề này, việc quy hoạch các điểm, cụm công nghiệp (CCN) làng nghề tập trung, đồng bộ về hạ tầng là yêu cầu cấp thiết.

Chuyển biến chậm

Làng nghề tạc tượng, làm đồ thờ xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức là một trong những làng nghề truyền thống có bề dày lịch sử và nhiều nét tinh hoa độc đáo. Khu vực ngã tư Sơn Đồng hiện nay đã hình thành một phố nghề nhỏ với hoạt động sản xuất, mua bán khá tấp nập. T

uy nhiên, do thiếu mặt bằng, một số hộ dân tập kết gỗ nguyên liệu và bày bán sản phẩm ở hai bên đường, gây mất mỹ quan và cản trở giao thông. Còn tại các làng nghề chế biến nông sản như Dương Liễu, Cát Quế, Minh Khai, tình trạng ô nhiễm môi trường do nước thải từ các hộ sản xuất đã trở thành vấn đề bức xúc nhiều năm nay.

Thiếu mặt bằng, nhiều hộ sản xuất tại làng nghề mộc Vạn Điểm, huyện Thường Tín chế tác ngay trên lòng đường.
Thiếu mặt bằng, nhiều hộ sản xuất tại làng nghề mộc Vạn Điểm, huyện Thường Tín chế tác ngay trên lòng đường.
Theo thống kê của UBND huyện Hoài Đức, toàn huyện hiện có 6 CCN, 51 làng nghề với hàng vạn hộ sản xuất, kinh doanh, nên vấn đề xử lý môi trường gặp nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Hiến – Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, một số hộ sản xuất, DN trong các làng nghề chưa thực hiện nghiêm túc quy định về bảo vệ môi trường. Trong khi đó, quy hoạch tiêu thoát nước chung của huyện đã được phê duyệt nhưng chưa được đầu tư. Đặc biệt, tiến độ xây dựng CCN làng nghề, trạm xử lý nước thải chưa đáp ứng yêu cầu.

Tương tự, huyện Thường Tín hiện có 126 làng nghề, trong đó, 46 làng được công nhận là làng nghề truyền thống, tạo công ăn việc làm cho khoảng 42.000 lao động. Toàn huyện hiện có 11 CCN, tiểu thủ công nghiệp với 84 DN, 415 hộ đang hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo bà Chu Thị Minh Huyền – Phó Chủ tịch UBND huyện Thường Tín, hiện nay, tiến độ thực hiện một số dự án xây dựng CCN - tiểu thủ công nghiệp, nhà máy xử lý nước thải tại làng nghề còn chậm do kinh phí ngân sách hạn chế…

Cần sớm tháo gỡ

Để khắc phục những bất cập đang tồn tại, huyện Hoài Đức đã tập trung hoàn thành Quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Đồng thời, tổ chức nhiều hội nghị để tham khảo ý kiến của các nhà khoa học về xử lý môi trường tại các làng nghề một cách triệt để, tránh chồng chéo, đảm bảo hiệu quả đầu tư. Huyện cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng CCN làng nghề Dương Liễu, tạo điều kiện cho các hộ có mặt bằng sản xuất và xử lý môi trường.

Lãnh đạo huyện Hoài Đức kiến nghị UBND TP và các sở, ngành có liên quan xem xét, hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm xử nước thải tập trung, tạo cơ sở hoàn thiện hệ thống hạ tầng trong các làng nghề.

Kết quả giám sát của HĐND TP tại một số làng nghề trên địa bàn các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Gia Lâm, Phúc Thọ, Quốc Oai mới đây cũng đánh giá, việc quy hoạch và triển khai quy hoạch xây dựng làng nghề, cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề còn khá chậm. Một số CCN làng nghề đi vào hoạt động nhưng chưa thu hút được các hộ sản xuất, tỷ lệ lấp đầy và hiệu quả đạt thấp. Bên cạnh đó, môi trường làng nghề đã và đang bị ô nhiễm.

Theo bà Nguyễn Thị Thùy – Trưởng ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP, nguyên nhân của những hạn chế này là do chính quyền ở một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác phát triển làng nghề. Một số nơi chưa chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm về chính sách phát triển làng nghề.

Để giải tỏa những vấn đề bức xúc tại các làng nghề hiện nay, HĐND TP yêu cầu Sở Công Thương phối hợp với các huyện rà soát các CCN làng nghề theo quy hoạch. Đồng thời, tham mưu cho UBND TP chính sách hỗ trợ khuyến khích các cơ sở sản xuất làng nghề di dời ra khỏi khu dân cư vào sản xuất tập trung tại các CCN làng nghề. Song song với đó, chủ động tham mưu xử lý môi trường làng nghề, nhất là tại các làng nghề chế biến nông sản.