Giải tỏa ùn tắc giao thông khu vực Tân Sơn Nhất: Đề xuất các giải pháp đột phá

Hoàng Quân – Huy Chương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 7/11, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh (HIDS) tổ chức hội thảo giải pháp giải tỏa ách tắc giao thông khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất (TSN).

Tình trạng ùn tắc thường xuyên xảy ra khu vực đi vào Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Quân Chương

TS Võ Kim Cương (nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng) cho rằng, áp lực giao thông không chỉ từ khu vực Sân bay TSN mà còn là áp lực từ cả vùng đô thị , đặc biệt là phía Bắc – khu vực Gò Vấp, Tân Bình, ngoài ra QL22 đi về Tây Ninh cũng gây ra tình trạng phương tiện đổ dồn về khu vực gần sân bay TSN. Quan điểm khi giải quyết vấn đề cần phải dựa trên các nguyên tắc về quy hoạch phát triển đô thị một cách linh hoạt, có sự cân bằng giữa hai lợi ích quân sự và dân sự, vì thế có thể mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng phía Nam sân bay. Ngoài ra, mượn đường qua doanh trại Quân khu 7. Đường này nối từ giao lộ Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ xuyên qua doanh trại Quân khu 7 nối vào Nguyễn Thái Sơn, Phạm Văn Đồng. Khơi được luồng tuyến này chắc chắn giải tỏa ngay tình trạng ùn tắc trên đường Trường Sơn.

TS Võ Kim Cương cũng đề xuất, nếu mở được tuyến đường bộ có lộ giới 30m đi từ quảng trường Dân Chủ qua ga Hòa Hưng nối đến đường Phạm Văn Đồng sẽ giải quyết được nhiều mục tiêu phát triển của TP và của ngành đường sắt.“Các giải pháp này đều là những giải pháp một mũi tên trúng nhiều mục đích”- TS Võ Kim Cương khẳng định.

Cũng tại hội thảo, Công ty CP Tư vấn giao thông công chính đã đề xuất một loạt các phương án nhằm giải quyết bài toán giao thông cả bên ngoài và bên trong TSN. Về giải pháp bên trong, phương án 1: Quy hoạch 4 nhà ga, 2 nhà ga hiện hữu T1 và T2 sẽ được giữ nguyên, đồng thời xây dựng mới 2 nhà ga T3 và T4 với tổng công suất đạt 20 triệu hành khách/năm. Phương án này đảm bảo không ảnh hưởng đến đất quốc phòng và đạt công suất khai thác 43 - 45 triệu hành khách/năm.

Phương án 2: Quy hoạch 3 nhà ga, xây dựng mới nhà ga T3 đạt công suất 10 triệu hành khách/năm đồng thời mở rộng nhà ga Quốc tế công suất từ 12 triệu lên 17 triệu hành khách/năm, mở rộng nhà ga Quốc nội công suất từ 13 triệu lên 18 triệu hành khách/năm.

DN cũng nêu 6 đề xuất quy hoạch giao thông ứng với 6 hướng lưu thông chính tại khu vực Sân bay TSN với chi phí dự kiến 1.860 tỷ đồng (chưa kể giải tỏa). Nếu các đề xuất trên được thực hiện, TP Hồ Chí Minh sẽ có một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, khoa học, đảm bảo lưu thông tại khu vực Sân bay TSN, góp phần giải quyết ách tắc một cách hiệu quả.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần