Giảm 50% lãi suất cho vay đối với hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là nội dung chính được đề cập tới trong văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi vừa được Ngân hàng Chính sách xã hội ban hành.

Văn bản triển khai theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020.
 Các hộ nghèo vùng dân tộc và miền núi sẽ được giảm 50% lãi suất cho vay từ Ngân hàng chính sách xã hội để phát triển kinh tế. 
Theo đó, khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở các thôn, bản, buôn…, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn được vay vốn ưu đãi để tạo đất sản xuất hoặc chuyển đổi ngành nghề. Trong đó, người vay chỉ được vay vốn để sử dụng vào một trong các mục đích sau: vốn vay được sử dụng vào việc chi phí khai hoang, phục hóa đất sản xuất hoặc tự nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất sản xuất. Khách hàng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn; có phương án sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh. Trong đó, người vay chỉ được vay vốn để sử dụng vào một trong các mục đích như đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ngành nghề không trái pháp luật (mua sắm máy móc, công cụ sản xuất, dịch vụ nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công nghiệp, buôn bán…).

Người vay thuộc đối tượng được vay vốn theo quy định có thể vay một hoặc nhiều lần nhưng tổng dư nợ cho vay không vượt quá mức cho vay áp dụng đối với hộ nghèo trong từng thời kỳ. Hiện mức vay cho vay tối đa đối với hộ nghèo là 50 triệu đồng/hộ. Lãi suất cho vay được tính bằng 50% lãi suất cho vay hộ nghèo trong từng thời kỳ (hiện mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo là 6,6%/năm). Lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay. Người vay được miễn lệ phí làm thủ tục hành chính khu vay vốn. Thời hạn cho vay tối đa là 10 năm.

Căn cứ vào chu kỳ sinh trưởng của đối tượng vay, khả năng trả nợ của người vay, người vay và Ngân hàng Chính sách thỏa thuận thời hạn cho vay cụ thể. Riêng đối với người vay vốn để tạo đất sản xuất thì ngoài các căn cứ nêu trên còn phải căn cứ vào thời hạn còn lại được sử dụng đất sản xuất của hộ vay và Ngân hàng Chính sách Xã hội chỉ xem xét cho vay khi thời hạn còn lại được sử dụng đất sản xuất bằng hoặc lớn hơn thời hạn cho vay đã thỏa thuận nêu trên.

Quyết định trên của Thủ tướng Chính phủ có hiệu lực từ ngày 7/7. Việc giải ngân cho vay theo hướng dẫn này được thực hiện đến hết ngày 31/12/2020.