Giảm áp lực từ trực tuyến và phỏng vấn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2016 - 2017, công tác tuyển sinh đầu cấp ngoài thực hiện chủ trương “3 tăng, 3 giảm”, Hà Nội còn có những đổi mới trong tuyển sinh, nhằm đảm bảo công bằng, khách quan, thuận tiện cho học sinh (HS) và phụ huynh.

Thực hiện “3 tăng, 3 giảm”

Năm học 2016 - 2017, Hà Nội dự kiến có 81.500 HS tốt nghiệp THCS và chuyển cấp. Trong đó, khoảng 67.500 em sẽ vào hệ THPT (trường công lập tuyển 53.000 HS, trường ngoài công lập tuyển 14.500 HS). Số lượng dự kiến vào các trung tâm giáo dục thường xuyên khoảng hơn 8.100 em; trường trung cấp chuyên nghiệp khoảng hơn 5.800 em. Số HS dự kiến vào lớp 6 khoảng 108.000 em; lớp 1 khoảng 133.000 em và 520.000 HS sẽ vào các nhà trẻ, mẫu giáo. Việc tuyển sinh đầu cấp vào các trường mầm non, tiểu học, THCS vẫn theo phương án xét tuyển theo tuyến, thời gian nhận hồ sơ từ ngày 1 - 15/7.
Thí sinh dự thi tuyển sinh năm 2015 tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ. 	Ảnh: Công Hùng
Thí sinh dự thi tuyển sinh năm 2015 tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ. Ảnh: Công Hùng
Để đảm bảo sĩ số HS trên lớp, trường, lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương “3 tăng, 3 giảm” - tăng quy mô tuyển sinh, tăng chất lượng công tác tuyển sinh và tăng cơ sở vật chất cho các trường, giảm số HS trái tuyến, giảm số HS/lớp, giảm số lớp/trường. “Từ năm 2016, Hà Nội sẽ tuyển sinh đầu cấp các khối mầm non, tiểu học, THCS bằng hình thức trực tuyến. Với phương thức này, phụ huynh thay vì phải đến trường để làm hồ sơ cho con, chỉ cần đăng nhập vào cổng thông tin tuyển sinh của trường để hoàn thành hồ sơ online. Đến ngày tuyển sinh, những trường hợp đủ điều kiện được sơ duyệt trước đó sẽ mang hồ sơ gốc đến đối chiếu” - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Phạm Xuân Tiến cho biết.

Phân tuyến phù hợp

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, các nhà trường không được tổ chức thi tuyển sinh đầu cấp, đặc biệt là tuyển sinh vào lớp 6. Với quy định này, mùa tuyển sinh 2015 - 2016, một số trường có lượng hồ sơ lớn vô cùng vất vả tìm phương án tuyển sinh. Và nỗi lo này lại đang "vắt" sang mùa tuyển sinh năm nay.

 Trước vấn đề này, ông Tiến cho biết, năm 2016, việc tuyển sinh đầu cấp của các trường được thực hiện bằng phần mềm tuyển sinh qua mạng, có kết nối dữ liệu dân cư để phân tuyến. “Việc tuyển sinh lớp 6 ở các trường, nếu vượt quá chỉ tiêu được giao, theo chỉ đạo chung, các quận, huyện phải có trách nhiệm chỉ đạo các phường, trường để rà soát hết đối tượng trong độ tuổi; sau đó phân tuyến phù hợp nhưng đảm bảo phải tuyển hết HS đã đăng ký hồ sơ. Đặc biệt, năm nay, những trường có khối lượng hồ sơ lớn (Chuyên Hà Nội Amsterdam, Cầu Giấy, Lương Thế Vinh…) sẽ được thực hiện phương án phỏng vấn, không thể xếp theo thứ tự ai nộp hồ sơ trước, ai nộp hồ sơ sau” - ông Tiến nhấn mạnh.

 Là một trong những trường có lượng hồ sơ đăng ký đông, bà Nguyễn Thị Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho rằng, phương án phỏng vấn để những trường có lượng hồ sơ lớn tuyển sinh là hợp lý: “Chỉ dựa vào học bạ để xét tuyển sẽ không hoàn toàn chính xác, khó xác định được chất lượng thực sự, thiệt thòi cho các em”. Đồng quan điểm, PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT Trường Lương Thế Vinh cũng nhận định, năm nay, Sở GD&ĐT cho phép các trường được phỏng vấn để tuyển sinh đầu cấp, các trường thực sự được “cởi trói”. “Dùng phương án phỏng vấn, trường sẽ có điểm cho từng em, dễ chọn lựa hơn là chỉ xét học bạ như năm trước” - PGS Văn Như Cương nhấn mạnh.

Có thể thấy, trong công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2016 - 2017, Sở GD&ĐT đã có những đổi mới (tuyển sinh trực tuyến) nhằm tạo điều kiện cho phụ huynh cũng như các trường. Đặc biệt, với những trường “nóng”, lượng hồ sơ nhiều đã được “gỡ rối” bằng phương án phỏng vấn, giúp các nhà trường dễ lựa chọn, tuyển được HS phù hợp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần