Giám đốc Nghiên cứu - Phát triển ngân hàng MB: Chuyển đổi số để thích ứng bối cảnh mới

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giám đốc Nghiên cứu - Phát triển ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Đàm Nhân Đức chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị tầm quan trọng của chuyển đổi số, trong nỗ lực giúp DN vượt qua bất ổn và thách thức.

Xin ông cho biết những lợi ích của chuyển đổi số, trong việc giảm tác động do Covid-19 gây ra đối với hoạt động của ngân hàng thời gian qua? 
Đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng vô cùng nặng nề tới kinh tế thế giới nói chung và nền kinh tế Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên, nhìn ở một góc độ tích cực, đó là sức ép buộc các tổ chức, đặc biệt các tổ chức kinh doanh phải chuyển đổi. 
Ở MB, chúng tôi đã nhanh chóng xây dựng và áp dụng 3 nhóm giải pháp bao gồm: Đảm bảo hoạt động liên tục, thực thi trách nhiệm với cộng đồng và thích ứng với sự thay đổi. Bên cạnh một kế hoạch ứng phó chi tiết, đẩy mạnh chuyển dịch số thì một nhân tố rất quan trọng giúp MB vượt qua đại dịch thành công và phát triển bền vững là quyết tâm và sát sao chỉ đạo của của ban lãnh đạo ngân hàng cùng với sự triển khai linh hoạt của tổ chức, sự đoàn kết kỷ luật tận tâm của toàn thể cán bộ nhân viên.   
Chúng tôi bước vào năm 2021 với quyết tâm cao. Với một môi trường kinh doanh được dự báo mặc dù còn khó khăn và nhiều yếu tố khó lường, nhưng sẽ tích cực hơn nhiều so với năm 2020, MB kỳ vọng quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng như trước đây khi tổng tài sản, tín dụng, huy động, doanh thu, lợi nhuận lần lượt tăng bình quân ở mức quanh 18, 21%, 17%, 29% và 31%.
 Giám đốc Nghiên cứu - Phát triển Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) Đàm Nhân Đức tại một hội thảo về chuyển đổi số.
Thông qua những bài học từ Covid-19, liệu chuyển đổi số có vai trò ra sao chiến lược phát triển tương lai của doanh nghiệp?
Rõ ràng chuyển đổi số sẽ đóng vai trò quan trọng bởi ít nhất quá trình số hóa sẽ giảm thiểu việc tiếp xúc và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19. Hơn nữa, trong thời kỳ khủng hoảng, tôi cho rằng khi các doanh nghiệp áp dụng dữ liệu lớn (big data) và trí tuệ nhân tạo (AI) để xây dựng các kịch bản tăng trưởng, điều này sẽ giúp ngân hàng nói riêng hay doanh nghiệp nói chung tìm ra được giải pháp phù hợp, thích nghi với hoàn cảnh mới với những biến số mới.
Đợt khủng hoảng Covid-19 vừa qua cũng đã giúp các tổ chức kiểm định những phương thức làm việc mới, như tăng cường họp online, làm việc từ xa và chạy thử các kịch bản đảm bảo kinh doanh liên tục.
Ngoài việc áp dụng chặt chẽ các chính sách phòng ngừa Covid theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng, trong giai đoạn cao điểm của dịch bệnh, MB đã áp dụng chính sách làm việc ở nhà, tăng cường họp online, hay làm việc theo ca.
Tác động tiêu cực thì chúng ta đều rõ rồi, nhưng có 2 tác động tích cực rõ nhất qua đợt khủng hoảng Covid vừa rồi với các tổ chức, là chuẩn bị để làm việc trong tâm thế sẵn sàng và tăng cường chuyển đổi số để bắt nhịp với bối cảnh mới.
Quá trình chuyển đổi số sẽ tác động đến kế hoạch tuyển dụng nhân sự của DN như thế nào trong thời gian tới? Theo ông, người lao động cần những kỹ năng gì để thích ứng được với những yêu cầu mới? 
Trong thời đại công nghệ số, bên cạnh những kỹ năng trước đây như giải quyết vấn đề, khả năng làm việc, kỹ năng sử dụng máy tín, ngoại ngữ, người lao động cần trau dồi thêm những kỹ năng mới như khả năng sử dụng thiết bị thông minh, QR scan, kỹ năng giao tiếp trên môi trường số (chat, voice call), mở rộng ra là hoạt động cộng tác trên môi trường số như họp online, đào tạo online, hội nghị online, hay kỹ năng tìm kiếm tư liệu số.
Ông có khuyến nghị gì về chính sách trong lĩnh vực ngân hàng để có thể thúc đẩy quá trình chuyển đổi số?
Các cơ quan quản lý đã vào cuộc với quyết tâm cao nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, với sự ra đời của những chính sách mới như Nghị quyết số 01/NQ-P ngày 1/1/2020 đề cập đến khung thể chế thí điểm (sandbox), Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 ban hành chủ trương tham gia CMCN 4.0, Quyết định 316/QĐ-TTg triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa dịch vụ có giá trị nhỏ, hay Thông tư 16/2020/TT-NHNN cho phép áp dụng công nghệ trong xác thực khách hàng (eKYC). 
Tôi thấy có một số khía cạch có thể xem xét để tạo động lực từ giao dịch truyền thống sang nền tảng số, như chính sách thuế ưu đãi cho người nộp thuế sử dụng các nền tảng số để kinh doanh, thanh toán hàng hóa, dịch vụ hay chính sách về các mức phí ưu đãi giao dịch trong giao dịch liên ngân hàng, phí thu điểm chấp nhận thanh toán, các quy định liên quan đến điểm chấp nhận thanh toán.
Xin cảm ơn ông!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần