Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện: Điều chỉnh phí sử dụng lòng đường, hè phố là cần thiết

Ngọc Hải (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với báo Kinh tế&đô thị về những vấn đề liên quan đến đề xuất tăng mức phí lòng đường, hè phố sử dụng tạm thời để trông giữ phương tiện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện khẳng định cần thiết điều chỉnh mức phí này.

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội - Vũ Văn Viện 

Xuất phát từ đâu mà UBND TP lại đề xuất tăng mức phí lòng đường, hè phố sử dụng tạm thời để trông giữ phương tiện, thưa ông?
- Những ngày qua, dư luận đã nói nhiều đến vấn đề này, tôi tóm gọn lại trong 2 ý chính sau. Thứ nhất, UBND TP đã cho phép tăng giá trông giữ phương tiện từ 1/1/2018 tới; để điều tiết nguồn thu ngân sách từ giá mới, cần tăng phí sử dụng, không để người trông giữ trục lợi từ chính sách. Thứ hai, tăng phí, giá là một trong những biện pháp hạn chế lưu thông phương tiện cá nhân, nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP, đặc biệt là khu vực lõi đô thị.

Đề án điều chỉnh mức phí như nói trên được xây dựng trên căn cứ pháp lý nào, thưa ông?

- Nghị quyết 20/2016/NQ - HĐND ngày 6/12/2016 của HĐND TP, tại khoản 2 Điều 2 nêu rõ: “Xây dựng phương án tổng thể thu phí lòng đường, vỉa hè áp dụng thống nhất, bình đẳng giữa các đơn vị trình HĐND TP tại kỳ họp gần nhất”. Ngoài ra, tại Nghị quyết 04/2017/NQ -HĐND có giải pháp xây dựng giá trông giữ phương tiện theo khu vực và lũy tiến. Ngày 31/12/2016, UBND TP cũng đã ra Quyết định số 58/2016/QĐ - UBND về giá dịch vụ trông giữ xe. Để triển khai nhanh chóng, có hiệu quả các Nghị quyết, Quyết định trên, liên ngành sở GTVT - Tài chính - Tư pháp - Cục Thuế Hà Nội đã thống nhất xây dựng và trình UBND TP Đề án Sửa đổi bổ sung quy định thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP Hà Nội.

Ngày 8/11 vừa qua, Ban Cán sự Đảng TP đã báo cáo và được Thường trực Thành ủy chấp thuận các nội dung điều chỉnh tại Đề án. Để phục vụ cho kỳ họp HĐND vào tháng 12 này, UBND TP đang lấy ý kiến đóng góp của công dân qua cổng thông tin điện tử và đã lấy ý kiến phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội. Có thể nói, Đề án đã được các cấp và Nhân dân quan tâm, đóng góp ý kiến thiết thực.

Liệu việc tăng giá, phí có ảnh hưởng tiêu cực đến người dân?

- Tôi cho không nên lo ngại như vậy. Việc tăng giá trông giữ xe trong khu vực lõi đô thị có mục đích chính là để hạn chế xe cá nhân lưu thông. Hạn chế được thì giảm ùn tắc, bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích thiết thực, lâu dài cho người dân chứ không có ảnh hưởng tiêu cực nào. Hơn nữa giá, phí chỉ tăng với những điểm trông giữ trên lòng đường, hè phố, còn các điểm hầm, giàn thép… thì giữ nguyên. Người dân nên thay đổi thói quen sử dụng xe cá nhân vì lợi ích của chính mình.

Việc thu phí theo diện tích sử dụng (m2/tháng) đối với các điểm trông giữ trên hè, đường trong khi cho phép dịch vụ iParking được nộp theo doanh thu có công bằng?

- Hai loại hình này khác nhau cơ bản về cách vận hành và thu nộp ngân sách. Trước đây, các điểm trông giữ trên lòng đường, hè phố nộp ngân sách bằng 6% doanh thu, nhưng quản lý doanh thu thực rất khó khăn và có thất thoát. Vì vậy nên nay phải thay đổi thành cách thức thu “cứng”, tính theo diện tích sử dụng. Còn iParking là một hệ thống thu - nộp khép kín. Khi chủ phương tiện trả tiền gửi xe vào hệ thống, thì cùng thời điểm iParking cũng tự động nộp 30% số tiền đó vào ngân sách, rất minh bạch và dễ quản lý. Hơn nữa, iParking đang là mô hình hiện đại chứng tỏ sự phù hợp và ưu điểm vượt trội so với các loại hình khác. TP đã xác định sẽ ưu tiên các điều kiện cho iParking phát triển và không khuyến khích trông giữ xe trên lòng đường, hè phố.
Vậy tại sao lại không khuyến khích việc trông giữ xe trên hè, đường?

- Thực tế là khu vực lõi đô thị đã quá tải hạ tầng giao thông tĩnh. Bên cạnh lượng phương tiện lớn của người dân sinh sống trong khu vực, còn có rất nhiều xe vãng lai. Nếu không hạn chế người dân mang phương tiện vào thì bài toán ùn tắc, ô nhiễm môi trường khu vực trung tâm sẽ không bao giờ giải được. Không khuyến khích trông giữ sẽ góp phần hạn chế phương tiện dừng đỗ, mở rộng không gian lưu thông cho khu vực lõi. Mặt khác, các điểm trông giữ trên hè, đường đang thu hút rất đông phương tiện vì tính tiện lợi và giá cả. Điều này khiến các dự án giao thông tĩnh mất đi sức hấp dẫn về doanh thu, không kêu gọi được đầu tư. Vì vậy phải dần hạn chế và tiến tới ngừng hẳn việc cấp phép cho trông giữ phương tiện tạm thời trên lòng đường, hè phố để người dân tập trung vào các điểm trông giữ đúng theo quy hoạch.

Một điểm trông giữ xe trên vỉa hè đường Giảng Võ. Ảnh:  Thanh Hải

Ông có thể cho biết có bao nhiêu điểm trông giữ phương tiện không phép, sai phép còn tồn tại trên địa bàn Hà Nội?

- Chúng tôi đã rà soát và có con số cụ thể. Trên địa bàn TP hiện nay có 74 điểm trông giữ hết giấy phép, không phép với diện tích 16.539m2. Thanh tra sở GTVT đã giải tỏa dứt điểm được 29 điểm, còn 45 điểm đang tiếp tục xử lý. Một số quận còn khá nhiều điểm trông giữ cần giải tỏa, điển hình như Đống Đa: 18 điểm; Hoàn Kiếm: 12 điểm; Ba Đình: 5 điểm…

Liệu các điểm trông giữ xe “ngoài luồng” này có cơ hội trục lợi từ việc tăng giá, phí?

- Do nhu cầu thực tế rất cao, hệ thống hạ tầng chưa thể đáp ứng hết, nên một số cá nhân, đơn vị vẫn cố tình vi phạm, trông giữ xe không phép, sai phép. Đây là vấn đề mà TP cần giải quyết triệt để, đặc biệt là sau khi tăng giá trông giữ phương tiện và phí sử dụng lòng đường, vỉa hè. Trước mắt, Sở và các cơ quan chức năng sẽ quyết liệt vào cuộc kiểm tra, xử phạt các điểm trông giữ vi phạm. Song song với đó, TP sẽ sớm triển khai, nhân rộng mô hình ứng dụng trông giữ xe thông minh qua hệ thống iParking. Với những ưu điểm vượt trội, iParking tự nó sẽ thu hút được khách hàng và giúp cơ quan quản lý Nhà nước triệt tiêu các điểm trông giữ “chộp giật”.

Có ý kiến cho rằng TP tăng giá, phí đối với các điểm trông giữ xe trên hè, đường là để tăng thu?

- Đó là cách nhìn nhận phiến diện và thiếu thực tế. Giá và phí đều chỉ tăng mạnh trong khu vực lõi, giảm dần và giữ nguyên theo hướng mở rộng ra ngoại thành. Khoản phí thu về ước tính chỉ vài chục tỷ đồng/năm là không lớn, không phải mục đích của Đề án điều chỉnh. Đề án điều chỉnh phí hay tăng giá trông giữ… tất cả đều trước hết nhằm vào mục đích cơ bản nhất là hạn chế phương tiện cá nhân lưu thông mà thôi.

Xin cảm ơn ông!