Giám đốc trung tâm quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải: Không chia sẻ làn đường trong giờ xe buýt BRT vận hành

Ngọc Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên quan đến một số thông tin về đề xuất để các loại phương tiện khác đi chung làn dành riêng cho xe buýt BRT, báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải.

Giám đốc Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị Nguyễn Hoàng Hải.
Chỉ là dự kiến đề xuất

Có thông tin, Trung tâm Quản lý & điều hành giao thông đô thị vừa đề xuất cho các loại phương tiện khác đi chung làn với xe buýt BRT. Thực hư ra sao, thưa ông?

- Đúng là chúng tôi có dự kiến đề xuất cho xe buýt thường lưu thông chung vào làn đường riêng của xe buýt BRT từ 4 - 23 giờ hàng ngày. Khoảng thời gian từ 23 giờ đêm hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, tức là khoảng thời gian xe buýt BRT không vận hành, cho các phương tiện thông thường đi vào làn xe BRT. Đề xuất này vẫn đảm bảo mục tiêu quan trọng nhất là không để ảnh hưởng đến vận hành của xe buýt BRT. Hơn nữa, đây mới chỉ là ý tưởng từ phía chúng tôi, còn cần phải khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng, không nên vội vàng cho rằng đây đã là một đề xuất chính thức.

Xe buýt BRT đang đạt kết quả vận hành rất khả quan, nhưng chính vì sức ép từ việc bị lấn làn, nhất là trong giờ cao điểm nên vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả. Chúng tôi còn muốn tiến hành thêm nhiều biện pháp ưu tiên khác nữa để tăng cường khả năng vận chuyển cho buýt BRT.
 Xe buýt BRT chạy trên đường Lê Văn Lương. Ảnh: Hải Linh
Ông có thể cho biết, sau hơn một năm hoạt động, xe buýt BRT đã đạt được những kết quả khả quan nào?

- Tính chung năm 2017, tuyến buýt BRT 01 Kim Mã - Bến xe Yên Nghĩa đã vận chuyển được trên 4.988.585 lượt hành khách. Ngày cao điểm đạt 17.465 lượt hành khách. Sản lượng hành khách sử dụng vé tháng nói chung và vé tháng 1 tuyến nói riêng của tuyến BRT đang dẫn đầu so với các tuyến buýt khác trên toàn mạng, bình quân 2.100 hành khách/tháng, tăng 3% so với kế hoạch và chiếm gần 6,8% lượng vé tháng toàn mạng. Nói chung, sản lượng của xe buýt BRT đang tăng trưởng đều cho thấy những tín hiệu rất khả quan.

Cần thêm những giải pháp

Hiện tuyến buýt BRT 01 còn những bất cập, hạn chế gì, thưa ông?

- Mặc dù kết quả bước đầu đã khẳng định, loại hình buýt BRT là loại hình có nhiều ưu điểm hơn xe buýt thông thường nhưng thực tế vẫn còn một số hạn chế. Thứ nhất là tình trạng lấn làn, chèn ép xe buýt BRT vẫn diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong giờ cao điểm. Xe buýt nhanh mà không đi nhanh được thì không thể phát huy hết giá trị của mình. Thứ hai là chưa có hệ thống vé tự động, vẫn phải sử dụng vé giấy truyền thống. Thứ ba là chưa có hệ thống đèn tín hiệu ưu tiên cho BRT qua các nút giao thông, nên dù đã có làn đường riêng nhưng vẫn hạn chế khả năng lưu thoát của xe khi qua các nút giao cắt.

Cuối cùng là việc tiếp cận hệ thống nhà chờ xe buýt nhanh BRT vẫn cần tiếp tục cải thiện. Mới chỉ có 10/21 nhà chờ có cầu đi bộ sang đường, nhiều vị trí chưa thuận tiện cho hành khách, đặc biệt là người già, người khuyết tật tiếp cận. Nhiều nhà chờ BRT chưa có nhà vệ sinh; chưa có điểm gửi xe lân cận nhà chờ BRT.

Vậy theo ông, cần các biện pháp gì để khắc phục?

- Trước hết là phải đảm bảo được làn đường dành riêng, đây là yếu tố quan trọng nhất tạo nên lợi thế của xe buýt BRT. Nếu tiếp tục bị lấn làn, chèn ép như hiện nay, buýt BRT sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả như mong muốn. Chúng tôi đã đề xuất cho lắp dải phân cách cứng để đảm bảo không gian riêng cho xe buýt BRT.

Ngoài ra, còn cần phải tiếp tục tính toán điều chỉnh lộ trình một số tuyến buýt, điểm dừng chờ để thuận tiện tối đa cho hành khách tiếp cận xe buýt BRT. Tổ chức các điểm trông giữ xe quanh khu vực nhà chờ xe buýt BRT; giải quyết những khó khăn trong tiếp cận nhà chờ đối với hành khách, đặc biệt là người khuyết tật. Về thẻ vé tự động, hiện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội đang phối hợp với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) để triển khai thử nghiệm cho tuyến xe buýt nhanh BRT, dự kiến sẽ triển khai trong năm 2018.

Xin cảm ơn ông!