Giảm giá cước kết nối giữa các mạng di động: Khách hàng mừng hụt

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá cước kết nối cuộc gọi giữa các nhà mạng đã giảm 20% kể từ ngày 1/5/2018 theo Thông tư 48/2017/TT-BTTT của Bộ TT&TT. Song điều này không có nghĩa giá cước liên lạc điện thoại di động của người dùng sẽ được giảm như nhầm tưởng của nhiều người.

 Một cửa hàng kinh doanh sim thẻ trên phố Kim Mã. Ảnh: Phạm Hùng
Chỉ nhà mạng được lợi
Theo Thông tư số 48, kể từ ngày 1/5/2018, giá cước kết nối cuộc gọi thoại giữa hai mạng thông tin di động mặt đất sẽ giảm khoảng 20%. Giá cước trước đây được quy định ở mức 500 - 550 đồng/phút, nay đã giảm xuống chỉ còn 400 - 440 đồng/phút. Cụ thể, nếu gọi sang thuê bao của Viettel, mạng di động gọi đi phải trả Viettel cước kết nối 400 đồng/phút. Trong khi đó, gọi tới số thuê bao của các nhà mạng của VNPT VinaPhone, MobiFone, Vietnamobile, Gtel, mạng gọi đi phải trả cho các nhà mạng nói trên 440 đồng/phút. Ngoài ra, mạng điện thoại cố định nội hạt thực hiện cuộc gọi đến mạng di động thì phải trả cho nhà mạng di động 320 đồng/phút (trước đây là 415 đồng/phút).

Tuy nhiên, không ít người nhầm tưởng quy định mới này đồng nghĩa với việc kể từ ngày 1/5, giá cước liên lạc điện thoại sẽ được giảm. Thực tế thì Thông tư 48 chỉ đề cập tới việc giảm cước kết nối cuộc gọi giữa các nhà mạng, không phải giảm cước cuộc gọi ngoại mạng dành cho người dùng. Hiện giá cước ngoại mạng đang được áp dụng cho khách hàng trả sau là 980 - 990 đồng/phút và khách hàng trả trước là từ 1.190 - 1.790 đồng/phút tùy theo từng gói cước của nhà mạng. Các thuê bao di động chỉ được giảm giá cước cuộc gọi khi các nhà mạng công bố chính sách điều chỉnh giá cước của mình.

Phải giảm cước để níu chân khách hàng

Có thể thấy, Thông tư 48 không nhắc tới việc giảm giá cước di động ngoại mạng dành cho người dùng, song về nguyên tắc giá cước di dộng được hình thành bởi cước nội bộ (nếu chỉ gọi nội mạng), cước kết nối cuộc gọi (nếu gọi ngoại mạng) và giá trị gia tăng. Vì vậy, khi cước kết nối cuộc gọi được giảm 20%, đồng nghĩa với việc cước di động sẽ phải giảm tương ứng. Hiểu là vậy nhưng cho tới thời điểm này chưa nhà mạng nào lên tiếng khẳng định sẽ san sẻ lợi ích với khách hàng. Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, đại diện VinaPhone cho biết, nhà mạng này vẫn chưa có chính sách giá cước di động mới sau Thông tư 48. Các mạng Viettel, MobiFone cũng “im hơi lặng tiếng”!

Thực tế những năm gần đây, với việc lên ngôi của các ứng dụng gọi điện, nhắn tin trên nền tảng internet, doanh thu từ dịch vụ thoại, tin nhắn truyền thống của các nhà mạng bị giảm đáng kể. Chưa hết, cuối năm 2017, Bộ TT&TT cũng ban hành Thông tư 47 có hiệu lực từ ngày 1/3/2018 quy định về trần khuyến mãi giá trị thẻ cào cho thuê bao trả trước không quá 20%, thuê bao trả sau không quá 50%. Thông tư 47 là nhằm siết khuyến mại các nhà mạng, nhưng với Thông tư 48, họ lại được bù đắp nhờ việc giảm cước kết nối. Do đó, theo nhận định của các chuyên gia viễn thông, việc giảm giá cước di động sau ngày 1/5 là rất khó xảy ra.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng từ nay tới cuối năm, nhờ kế hoạch chuyển mạng giữ số (giữ nguyên số điện thoại cũ nhưng được chuyển sang sử dụng mạng khác) vốn bị hoãn lại tới cuối năm 2018, các nhà mạng sẽ buộc phải linh hoạt hơn trong việc cung cấp dịch vụ và ban hành chính sách giá cước hấp dẫn để níu chân người dùng. Nếu nhà mạng cố tình trì hoãn, ngó lơ quyền lợi của khách hàng thì chính họ sẽ chịu thiệt!