Giảm lãi suất, Ngân hàng hy sinh lợi nhuận vì doanh nghiệp

Huyền Phạm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định giảm các mức lãi suất điều hành 0,25%, cụ thể giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,5%/năm xuống 6,25%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,5%/năm xuống 4,25%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,5%/năm xuống 7,25%/năm. Đồng thời NHNN cũng quyết định giảm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 7%/năm xuống 6,5%/năm.

Với việc giảm lãi suất lần này NHNN đã không dùng biện pháp hành chính mà dùng công cụ thị trường với mức giảm nhẹ, và đồng thời giữ nguyên trần lãi suất huy động và kiên định mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% (có thể điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thực tế).
Giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp (DN) phát triển
Thống đốc NHNN, ông Lê Minh Hưng giải thích về ý nghĩa trong quyết định giảm lãi suất , NHNN đang cố gắng hết sức để hỗ trợ DN Việt Nam phát triển. Việc giảm lãi suất trong giai đoạn này là hợp lý để dìu dắt DN đi lên. Cơ sở đầu tiên để NHNN thực hiện điều chỉnh giảm lãi suất là Nghị quyết thí điểm về xử lý nợ xấu vừa được Quốc hội thông qua, sẽ giúp cho NH tiết kiệm chi phí hoạt động, lợi nhuận tăng lên từ đó có điều kiện để giảm thêm lãi suất. Trước mắt NH vẫn giữ ổn định lãi suất huy động như hiện nay vì nếu người gửi tiền thấy lãi suất giảm họ sẽ không gửi nữa, đầu tư vào lĩnh vực khác, đầu tư theo phong trào thì không chỉ người gửi tiền mà NH cũng gặp rủi ro vì có thể rơi vào bẫy thanh khoản trong tương lai.
 Ảnh minh họa
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho biết thêm, năm 2016 và triển vọng 2017, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, nhưng kỳ vọng của lạm phát vẫn ở mức cao.
Mặt khác, quyết định điều chỉnh lần này không có mặt của trần lãi suất huy động tiền gửi ngắn hạn. Nhà điều hành đã thận trọng khi không trực tiếp tác động đến lãi suất tiền gửi - liên quan đến nguồn huy động của hệ thống trong cân đối với tăng trưởng tín dụng (với tốc độ cho vay nửa đầu 2017 đã tốt hơn so với nhiều năm trước).
Thêm nữa, mức độ giảm cùng các loại lãi suất điều hành gián tiếp trên cũng tránh trực tiếp co hẹp chênh lệch lãi suất “đô - đồng” để hạn chế những biến động liên quan của tỷ giá USD/VND.
Các NHTM thực hiện nghiêm túc chỉ thị của NHNN
Chỉ sau một thời gian ngắn quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN, một loạt ngân hàng thương mại (NHTM) lớn, nhỏ đã đồng loạt công bố hạ lãi suất.
Đi đầu là các NHTM Nhà nước, đã nhanh chóng vào cuộc thực hiện giảm lãi suất cho vay, cả 4 NH gồm BIDV, Agribank, VietinBank và Vietcombank cũng thực hiện giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của NHNN về mức tối đa 6,5%/năm đối với nhu cầu vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ.
Tiếp theo đó LienVietPostBank là NH cổ phần đầu tiên công bố giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các DN có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên. Đặc biệt, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với một số ngành nghề ưu tiên theo quy định của NHNN chỉ còn tối đa là 6%/năm tức là thấp hơn 0,5%/năm so mức trần tối đa mới quy định…
Trong khối cổ phần, còn có VPBank, Sacombank, Eximbank… cũng đã giảm lãi suất cho vay theo đúng quy định của NHNN.
Một động thái tích cực nữa là lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm đối với cả ba loại kỳ hạn, tuần giảm thứ 3 liên tiếp. đối với cả ba loại kỳ hạn: qua đêm, 1 tuần và 2 tuần (biên độ giảm từ 0,15% - 0,28%). Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm giảm 0,15% về mức 1,7%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 tuần giảm mạnh 0,28% về mức 1,83%/năm; lãi suất trung bình kỳ hạn 2 tuần giảm 0,28%, về mức 2,05%/năm.
Ngân hàng hy sinh lợi nhuận vì doanh nghiệp
Để thực hiện chỉ đạo trên, nhiều NHTM điều chỉnh cơ cấu danh mục, giảm cho vay trung dài hạn vào lĩnh vực bất động sản, giao thông vận tải, hoặc là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn để đầu tư sang cho vay các ngành khác, nhất là các ngành cần ưu tiên. Xu hướng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ đi xuống nhưng xuống thế nào cũng tùy tình hình thị trường. Như đối với các lĩnh vực ưu tiên chắc chắn lãi suất giảm xuống 0,5%/năm theo đúng chỉ đạo NHNN.
Nhìn nhận từ phía các NHTM đối với câu chuyện lãi suất, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), ông Nguyễn Đình Tùng cho hay, ngoài chuyện định hướng của NHNN, thực ra bản thân các NH cũng mong muốn giảm lãi suất. Nhưng nếu không có tác động chính sách thì NH rất khó hạ. Vì lãi suất đầu vào không thể hạ thêm, còn tăng lãi suất cho vay thì không đành. Nếu muốn thêm vốn để cho vay, huy động đầu vào cao thì NH rủi ro. Do đó chỉ đạo có tính quyết đoán cao của NHNN, điều chỉnh chính sách cụ thể lãi suất cho vay sẽ hạ, đối tượng được hưởng trực tiếp ngay là các lĩnh vực ưu tiên.
Ông Tùng cũng thành thực chia sẻ, với việc điều chỉnh lãi suất lần này ít nhiều sẽ tác động đến lợi nhuận của các ngân hàng.
Đánh giá cao động thái này của NHNN, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giảm lãi suất chính sách sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt là nắn dòng tiền ngân hàng vào các lĩnh vực kinh tế cần ưu tiên phát triển, như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Hoạt động của các NHTM cũng giống như hoạt động của một doanh nghiệp kinh doanh với hàng hoá đặc thù là tiền tệ. Việc giảm lãi suất cho vay (tức là đầu ra) trong khi vẫn giữ nguyên lãi suất huy động (đầu vào) rõ ràng là một động thái thiện chí mà ngành NH hy sinh lợi nhuận vì doanh nghiệp.