Giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp từ 1% xuống còn 0,5%

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 34/NQ-CP- Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2017, trong đó thống nhất đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) đối với người sử dụng lao động quy định tại Điều 57 Luật việc làm từ 1% xuống còn 0,5% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia BHTN.

Thời gian thực hiện việc điều chỉnh kể từ ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2019.

Theo đó, Chính phủ giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ khẩn trương tiếp thu ý kiến Chính phủ, hoàn tất thủ tục xây dựng Nghị quyết của Quốc hội điều chỉnh mức đóng vào Quỹ BH thất nghiệp đối với người sử dụng lao động. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết nói trên.

Theo quy định của Luật Việc làm thì Quỹ BH thất nghiệp được dùng để chi trả: Trợ cấp thất nghiệp; Hỗ trợ tư vấn, giới thiệu việc làm; Hỗ trợ Học nghề; Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, theo thống kê, chỉ khoảng 4,9% người thất nghiệp được nhận hỗ trợ từ Quỹ BH thất nghiệp để học nghề, chuyển đổi nghề. Số người được hỗ trợ kinh phí học nghề còn thấp và chưa có người hưởng hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề.

Năm 2016, kết dư BHTN tăng gần 9.500 tỷ đồng so với 2015, tương đương trên 19%. Lũy kế tổng quỹ BHTN đang kết dư gần 59.000 tỷ đồng. Nguyên nhân kết dư Quỹ BHTN là do trong các năm bắt đầu thực hiện chính sách BHTN (2009, 2010, 2011), người lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp chưa nhiều. Từ năm 2010 mới bắt đầu có người hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần