Giám sát doanh nghiệp Nhà nước: Bỏ qua cảnh báo, phớt lờ rủi ro

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ câu chuyện mua cổ phần tại một số DN Nhà nước, các chuyên gia cho rằng, có sai phạm trong thẩm định dự án đầu tư, bỏ qua cảnh báo rủi ro trong giám sát hoạt động DN Nhà nước của cơ quan chủ sở hữu. Điều này cũng cho thấy, cơ quan chủ sở hữu còn hạn chế về khả năng nhận biết, cảnh báo các dự án kém hiệu quả.

Kiểm tra thiết bị ống dẫn dầu khí tại mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Hùng Huy
Từ chuyện AVG
Tại Hội thảo về “Vai trò của cải cách DN Nhà nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội” do Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) tổ chức mới đây, các đại biểu đã lấy ví dụ về câu chuyện giám sát DNNN từ vụ việc vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Tổng Công ty viễn thông MobiFone trong việc mua cổ phần Công ty CP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG).
Theo đại diện SCIC, đến nay, Tổng Công ty đã tiếp nhận đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 1.055 DN với tổng giá trị vốn Nhà nước hơn 14.851 tỷ đồng. Đa số DN do SCIC tiếp nhận bàn giao có kết quả sản xuất kinh doanh tốt, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân 2013 - 2015 đạt 20,1 - 20,5%, tổng nguồn thu cổ tức cho Nhà nước lũy kế trên 21.000 tỷ đồng. SCIC đã thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu và thoái vốn Nhà nước thành công tại 995 DN. Đa số các DN bán vốn quy mô nhỏ, kinh doanh kém hiệu quả nhưng kết quả bán vốn thu được gấp hơn 4,2 lần giá vốn.
Phó Viện trưởng, Viện Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM) Nguyễn Đức Hiếu dẫn thông tin từ Thanh tra Chính phủ, ngay từ giai đoạn thẩm định đã có một số cảnh báo rủi ro về tính khả thi, sự thiếu căn cứ về mức giá MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. “Tuy nhiên, tổ thẩm định của Bộ TT&TT đều phớt lờ”- ông Hiếu thông tin.

Theo các chuyên gia, thực tế, có sai phạm trong thẩm định dự án đầu tư, bỏ qua cảnh báo rủi ro trong giám sát hoạt động DNNN thời gian qua. Cụ thể, cơ chế báo cáo mang tính định kỳ (6 tháng, 1 năm) khiến mức độ tương tác thường xuyên và kịp thời còn thấp, chưa đảm bảo yêu cầu “thường xuyên, liên tục” của hoạt động giám sát. Cơ quan chủ sở hữu nói chung cũng được đánh giá là không đủ công cụ (nhân lực và thông tin) theo dõi trực tiếp nên không kịp thời nắm bắt được tình hình thực tế của DN giữa các kỳ báo cáo, đặc biệt là tình hình triển khai thực hiện kế hoạch, các dự án đầu tư và các quyết định mà cơ quan chủ sở hữu đã phê duyệt. Ngoài ra, hiện chưa có cơ chế để các tổ chức chuyên nghiệp tham gia đánh giá, xếp loại DN. Điều này ảnh hưởng đến tính khách quan, chính xác của kết quả đánh giá, xếp loại.

Đổi mới cơ chế giám sát

Về giám sát DN, kinh nghiệm tại một số nước như Hàn Quốc là khi đánh giá DN thường thuê thêm cả công ty tư vấn độc lập. Trong bối cảnh Việt Nam gần như thiếu cơ chế đánh giá khách quan hoạt động của DNNN thì đây là một kinh nghiệm cần được tham khảo. “Cần có cơ sở thông tin tập trung toàn bộ khu vực DNNN, thống nhất, không phân mảnh. Cơ sở thông tin này phải cập nhật, có thể không được hàng giờ nhưng ít nhất phải hàng ngày, hàng tuần” - Phó Viện trưởng CIEM Trần Đức Hiếu nhận định.

Các chuyên gia cũng đưa thêm nhiều kiến nghị đổi mới cơ chế giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu tại các DNNN. Đó là xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin để vận hành chức năng đại diện chủ sở hữu; áp dụng cách thức và công cụ giám sát theo thông lệ tốt về quản trị DNNN; tập trung quyền sở hữu gắn với tập trung trách nhiệm; làm rõ cơ chế giám sát ủy ban, cơ quan chủ sở hữu.