Giám sát tại Sở Y tế Hà Nội: Chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, tăng chỉ tiêu giường bệnh/vạn dân

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-"Sở Y tế Hà Nội cần rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới ngành y tế để có sự đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất. Thành phố rất ưu tiên điều này, các sở nhất là Sở KH&ĐT cần giúp ngành y tế có kế hoạch tổng thể về đầu tư cơ sở vật chất, cùng với sự chủ động của bản thân ngành để tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân”, Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Hội Phùng Thị Hồng Hà nhấn mạnh tại buổi giám sát sáng nay (20/9)

Sáng nay (20/9), đoàn giám sát số 2 của HĐND TP Hà Nội đã có buổi làm việc với Sở Y tế Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao theo Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 3/8 của HĐND TP về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) 5 năm 2016-2020 của TP.
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Trần Ngọc Chung, theo Nghị quyết HĐND TP, ngành y tế được giao các nhiệm vụ: Đến năm 2020 đạt tỷ lệ số giường bệnh/vạn dân là 26,5; số bác sỹ/vạn dân là 13,5; tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế (theo chuẩn mới) đạt 100%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%.
Với nỗ lực của toàn ngành, tỷ lệ giường bệnh/vạn dân năm 2018 đạt 23,3 và dự kiến đến 2020 chỉ đạt được 23,7, không đạt được mục tiêu đặt ra, bởi mặc dù có tăng 2.263 giường bệnh nhưng dân số Hà Nội tăng thêm 1 triệu người so với năm 2018. Về chỉ tiêu bác sỹ/vạn dân, dự kiến năm nay đạt 13,4 và năm 2020 sẽ đạt 13,5, hoàn thành mục tiêu đặt ra, nhờ các giải pháp mà ngành đang và sẽ triển khai liên quan đến tổ chức tuyển dụng viên chức, tiếp tục tăng giường bệnh cho các cơ sở y tế làm cơ sở để tuyển dụng bác sĩ, có chính sách thu hút nhân lực về làm việc tại các cơ sở y tế trên địa bàn TP… Đối với tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế, đến cuối năm 2018 có 581/584 (99,48%) xã, phường đạt tiêu chí này; hiện 3 xã thuộc huyện Mỹ Đức đã triển khai đầu tư xây dựng trạm y tế và dự kiến hết tháng 9/2019 đưa vào sử dụng (các chỉ tiêu khác của 3 xã này đều đạt). Ngay sau khi cơ sở vật chất của 3 trạm này hoàn thiện, Sở sẽ đánh giá, trình UBND TP phê duyệt. Về chỉ tiêu quản lý chất thải y tế, hiện trên địa bàn Hà Nội có 46 bệnh viện thuộc T.Ư và các bộ, ngành; hàng năm Sở đều phối hợp với các sở, ngành TP và Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) thực hiện thanh tra, kiểm tra và đôn đốc các đơn vị này thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo 100% chất thải y tế nguy hại được xử lý đúng quy định.
 Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Phùng Thị Hồng Hà phát biểu
Tại buổi giám sát, Phó Chủ tịch HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà khẳng định: Với sự cố gắng của toàn ngành và sự quan tâm của TP, đến nay ngành y tế Thủ đô đã đạt nhiều kết quả khả quan nhất là đã dành nguồn nhất định để đầu tư cơ sở vật chất cho cơ sở khám chữa bệnh, nhất là đã rà soát mọi trạm y tế xã, phường để tăng cường đầu tư, đến nay cơ bản hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ xã, phường đạt chuẩn quốc gia về y tế. Về chất lượng y tế toàn dân, rõ ràng thời gian qua TP không có “đầu vào” của bác sỹ nhưng “đầu ra” luôn biến động, nên ngành đã nỗ lực rất lớn trong việc đảm bảo tỷ lệ bác sỹ/vạn dân. Đồng thời, ngành cũng có nhiều cố gắng trong việc nâng cao chất lượng các cơ sở khám chữa bệnh.
Mặc dù vậy, đồng chí lưu ý, trước những khó khăn bất cập hiện nay trong thực hiện nhiệm vụ, để xây dựng các chỉ tiêu nghị quyết nhiệm kỳ tới đảm bảo phù hợp, ngành y tế cần đánh giá làm rõ những phần việc nào ngành có thể chủ động, phần việc nào cần đề xuất với TP và Chính phủ. Trong đó, Sở cần chỉ đạo rà soát mọi bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh, con số thống kê… để so sánh có sự thống nhất với các tiêu chí của T.Ư trên cùng mặt bằng, cùng tiêu chí, nhằm đề xuất giao chỉ tiêu cho chuẩn xác. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, thời tiết phức tạp, môi trường khó khăn, cũng đòi hỏi công tác y tế xác định mục tiêu hàng đầu là phòng chống dịch bệnh, tiếp đến là phát hiện dịch bệnh sớm, sau đó là công tác khám chữa bệnh. Bên cạnh đó, đề nghị ngành nâng cao chất lượng dịch vụ, ứng dụng kỹ thuật mới, tăng sức cạnh tranh, để ngày càng khẳng định vị thế của ngành y tế Thủ đô trong cả nước và khu vực; rà soát để có phương án tổng thể về xét tuyển, thi tuyển viên chức; xem xét đề xuất cơ chế để thu hút mạnh hơn các nhân tài về Hà Nội. Đặc biệt, "cần rà soát tổng thể quy hoạch mạng lưới ngành y tế để có sự đầu tư đồng bộ cơ sở vật chất. TP rất ưu tiên điều này, các sở nhất là Sở KH&ĐT cần giúp cho ngành y tế có kế hoạch tổng thể về đầu tư cơ sở vật chất, cùng với sự chủ động của bản thân ngành để tăng tỷ lệ giường bệnh/vạn dân.”, Phó Chủ tịch HĐND TP nhấn mạnh.
Cùng với đó, đồng chí lưu ý ngành y tế chú trọng tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới số hóa các thủ tục hành chính; trong quản lý hoạt động hành nghề y dược tư nhân cần tăng cường phân cấp, phân quyền, kiểm tra, giám sát, rõ vai trò trong xử lý vi phạm, trong đó công khai những trường hợp vi phạm.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần