Giám sát thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao tại quận Nam Từ Liêm
Kinhtedothi - Chiều 1/4, Đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội do Trưởng Ban Văn hóa - Xã hội Nguyễn Thanh Bình làm Trưởng đoàn đã làm việc với UBND quận Nam Từ Liêm về việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao trên địa bàn.
Bước đầu thực hiện tự chủ chi thường xuyên, giảm chi ngân sách
Theo báo cáo của UBND quận Nam Từ Liêm, tính đến tháng 3/2025, toàn quận có 102 trường, trong cấp mầm non 48 trường, cấp tiểu học có 28 trường, cấp THCS có 26 trường, 1 Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 10 Trung tâm học tập cộng đồng, 264 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục.
Hiện quận có 3 trường chất lượng cao gồm: Tiểu học Nam Từ Liêm, THCS Nam Từ Liêm, Tiểu học Lê Quý Đôn (trường ngoài công lập) với tổng số 137 lớp học; 373 cán bộ, giáo viên, nhân viên và 4.176 học sinh.

Nhìn chung, các trường công lập chất lượng cao trên địa bàn được UBND quận cải tạo, đầu tư cơ sở vật chất khang trang đầy đủ phòng chức năng, sân chơi; được trang bị đầy đủ thiết bị hiện đại phục vụ công tác quản lý, dạy và học, camera giám sát bảo đảm hoạt động của học sinh được diễn ra an toàn.
Tất cả các phòng học, phòng chức năng, phòng làm việc được lắp máy điều hòa nhiệt độ, máy tính, máy chiếu, hệ thống loa và kết nối Internet. Giáo viên và học sinh sử dụng thường xuyên, phát huy hiệu quả tốt, đáp ứng nhu cầu dạy và học chất lượng cao.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các trường công lập chất lượng cao được tuyển chọn 100% giáo viên giỏi các trường công lập trên địa bàn quận, có trình độ chuyên môn vững vàng và nghiệp vụ quản lý tốt; 100% đạt chuẩn và trên chuẩn về đào tạo, không ngừng tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ quản lý, trình độ ngoại ngữ, tin học...
Các trường chủ động xây dựng chương trình giáo dục nhà trường, xây dựng chương trình nâng cao đáp ứng với khả năng, nhu cầu của học sinh, điều kiện thực tiễn của nhà trường và yêu cầu của mô hình trường chất lượng cao.
Khi áp dụng mô hình chất lượng cao, các trường đã bước đầu thực hiện tự chủ chi thường xuyên, góp phần thực hiện nhiệm vụ giảm chi ngân sách Nhà nước, dành đầu tư cho giáo dục khu vực còn khó khăn; tiến tới thực hiện tự chủ về nhân sự.
Linh hoạt trong thực hiện dạy và học
Thông tin về một số kết quả thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao, đại diện các Trường THCS Nam Từ Liêm, Tiểu học Nam Từ Liêm, Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết, trường đều có cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu giáo dục theo mô hình chất lượng cao; chất lượng giáo viên 100% đạt chuẩn. Sau khi thực hiện mô hình chất lượng cao, chất lượng giáo dục của các trường được nâng lên.

Tại Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, qua khảo sát, Đoàn giám sát ghi nhận được xây dựng theo mô hình hiện đại, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 và tiệm cận với chuẩn quốc tế. Trường có đủ các phòng học, phòng chức năng được trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ công tác quản lý và dạy học có hiệu quả.
Nhà trường thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục, kế hoạch dạy học theo quy định. Trường đã linh hoạt áp dụng với mô hình trường học mới, tiếp cận năng lực học sinh.
Hiệu trưởng Trường THCS Nam Từ Liêm Hoàng Thị Yến cho biết, sau khi được công nhận chất lượng cao, trường đã nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện (đặc biệt kết quả xếp loại học lực học tập), thi học sinh giỏi và kết quả thi tuyển sinh lớp 10 liên tục dẫn đầu quận và tốp đầu thành phố. Tuy nhiên, nhà trường gặp khó khăn khi việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp đối với giáo dục 2% doanh thu; kinh phí ngân sách hỗ trợ theo các nghị quyết chưa đặt vấn đề đầu tư xây dựng, cải tạo các hạng mục lớn. Do vậy, hằng năm các hạng mục sửa chữa của trường (sau khi công nhận chất lượng cao) chưa được ngân sách hỗ trợ.
Cùng chung khó khăn này, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Từ Liêm Nguyễn Thanh Thủy cho biết, hiện nhà trường gặp một số khó khăn trong đó có việc một số hạng mục cơ sở vật chất lớn xuống cấp (bể bơi, nhà thể chất), nhà trường chưa có khả năng tự cải tạo, sửa chữa, đặc biệt cảnh quan chung của trường do kinh phí tự chủ không bảo đảm cho cải tạo, sửa chữa tổng thể toàn bộ cảnh quan của nhà trường theo hướng hiện đại, đồng bộ.

Định vị lại mô hình chất lượng cao cho phù hợp
Chia sẻ với một số khó khăn của các trường, thành viên Đoàn giám sát của Ban Văn hoá - Xã hội HĐND TP quan tâm và đề nghị các đơn vị làm rõ những tiêu chí hiện còn phù hợp hay không, có nội dung nào cần sửa đổi để tới đây HĐND TP xem xét, điều chỉnh cho phù hợp khi thực hiện Luật Thủ đô năm 2024…
Ngoài ra, Đoàn giám sát cũng quan tâm về thu chi của nhà trường; mức trích lập quỹ khen thưởng, phúc lợi xã hội, quỹ phát triển sự nghiệp; những khó khăn, vướng mắc trong đánh giá, kiểm định chất lượng…
Phát biểu kết luận buổi giám sát, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Nguyễn Thanh Bình nhận định, Hà Nội là đơn vị duy nhất thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao, trong đó quận Nam Từ Liêm có 3 trường tham gia, đến thời điểm hiện tại là rất tốt so với một số đơn vị khác.

Theo Trưởng đoàn giám sát, một số tiêu chí cho mô hình giáo dục chất lượng cao hiện tại không còn nổi trội, vì tới đây Nhà nước miễn học phí các trường công lập, đầu tư cơ sở vật chất cho các trường đạt chuẩn, đội ngũ giáo viên nâng chuẩn… cũng sẽ ảnh hưởng đến việc tuyển sinh đối với các trường áp dụng mô hình này.
Vì thế, thời gian tới, các địa phương và các trường cần định vị lại mô hình, xác định lại chất lượng cao cho phù hợp (cả công lập và ngoài công lập) hướng theo những tiêu chí của Luật Thủ đô 2024, trong đó cần cụ thể hơn một số tiêu chí, chuẩn mới, danh mục đầu tư trang thiết bị… coi đây là giải pháp để nâng sức hút cho mô hình này. Các trường cũng cần đặt ra cơ chế, chính sách liên quan đến chất lượng cao một cách đầy đủ, đồng bộ... Mặc dù về mặt tài chính tự chủ, nhưng cũng cần đề xuất đầu tư bổ trợ đào tạo bằng ngân sách… để nâng mức cạnh tranh, tiếp tục thực hiện mô hình hiệu quả và nhân rộng.

Chương trình hành động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo
Chính phủ vừa có Nghị quyết số 51/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 91-KL/TW thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Tháo gỡ khó khăn, ưu tiên các điều kiện tốt nhất để phát triển giáo dục
Kinhtedothi - Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Đặng Xuân Phong yêu cầu các cơ quan, ban ngành của tỉnh tập trung, phối hợp tháo gỡ các khó khăn, ưu tiên dành nguồn lực kinh tế và những điều kiện tốt nhất cho ngành giáo dục.

Hà Nội: giám sát mô hình giáo dục chất lượng cao tại quận Hoàn Kiếm
Kinhtedothi - Chiều 27/3, đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội đã làm việc với UBND quận Hoàn Kiếm về việc thực hiện mô hình giáo dục chất lượng cao tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.