Giảm tải áp lực giao thông đô thị: Quy hoạch gắn với công nghệ cao

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang chịu áp lực về việc cân bằng giữa phát triển hạ tầng giao thông với gia tăng dân số.

Do diện tích đất quy hoạch cho giao thông, đặc biệt ở khu vực lõi của Hà Nội không còn nhiều nên việc tích hợp quy hoạch và ứng dụng quản lý vận hành hệ thống hạ tầng giao thông bằng công nghệ có thể sẽ giải quyết hài hòa vấn đề này.
Quá tải

Theo Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, hạ tầng giao thông Hà Nội đang phải "gồng mình" phục vụ trên 6 triệu phương tiện đăng ký trực tiếp tại TP và hàng triệu phương tiện giao thông vãng lai. Trong khi tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ chỉ tăng khoảng 3%/năm, tỷ lệ quỹ đất dành cho phát triển giao thông chiếm khoảng 8,65% diện tích đất đô thị và hàng năm diện tích quỹ đất dành cho giao thông tăng chỉ khoảng 1%, đã tạo ra những áp lực lớn cho giao thông của Thủ đô.
 Quản lý vận hành hệ thống hạ tầng giao thông bằng công nghệ sẽ giảm tải được tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông.  Ảnh: Thanh Hải
Ông Đỗ Việt Chiến - Nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông chưa được đồng bộ với nhau; hệ thống giao thông công cộng phát triển còn chậm; các khu dân cư tập trung đông với nhiều nhà ở cao tầng là những nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng quá tải về hạ tầng giao thông như hiện nay.

"Hà Nội đang hoàn thiện các tuyến đường sắt đô thị, chỉ cần hệ thống xe buýt đô thị hoạt động tốt thì có thể giải quyết được phần nào vấn đề quá tải hạ tầng giao thông." - KTS Nguyễn Đỗ Dũng – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

“Theo quy định thì 60% diện tích đất sẽ dành cho giao thông, đất công cộng, cây xanh và các loại khác, với việc “bùng nổ” dân số như hiện nay sẽ dẫn đến xu hướng tăng diện tích đất ở và làm mất cân bằng với phát triển hạ tầng giao thông. Ngoài ra, Hà Nội còn tồn tại thực tế là các bến xe lớn đang nằm trong trung tâm của TP, là những khu vực có mật độ dân số cao, tạo ra những áp lực lớn về giao thông” - ông Đỗ Việt Chiến khuyến cáo.

Tích hợp trong quy hoạch

KTS Nguyễn Đỗ Dũng – Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, để làm tốt được công tác quản lý, vận hành hệ thống giao thông trong đô thị lõi, vấn đề quan trọng nhất là phải tích hợp quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch giao thông. Quy hoạch sử dụng đất có vai trò quan trọng trong việc thực hành quy hoạch giao thông, hay nói cách khác quy hoạch sử dụng đất chính là quy hoạch giao thông.

“Việc thay đổi mục đích sử dụng đất như hoán đổi từ nhà ở thấp tầng thành nhà ở cao tầng, dẫn đến nhu cầu đi lại trong hệ thống giao thông tăng, trong khi đó hệ thống giao thông vốn bị động chưa thể thay đổi ngay để đáp ứng với nhu cầu mới, kết quả là dẫn đến áp lực lên hạ tầng giao thông. Việc mở rộng đường sẽ làm tốn kém ngân sách và từ việc mở rộng đường sẽ làm cho mật độ xây dựng hai bên đường gia tăng hoặc chuyển nhà ở thành trung tâm thương mại sẽ lại làm gia tăng lưu lượng tham gia giao thông” - ông Nguyễn Đỗ Dũng phân tích.

Để giải quyết vấn đề giao thông trong đô thị lõi, ông Nguyễn Đỗ Dũng cho rằng không chỉ nên tập trung vào việc mở rộng đường, cách tiếp cận này có thể gây hiệu ứng tiêu cực. Không chỉ thay đổi về sử dụng đất mà tuyến đường mở rộng sẽ thu hút thêm lưu lượng giao thông do tâm lý di chuyển của người dân. Trên thế giới có những đô thị cổ hàng nghìn năm, nhưng một số đô thị đưa ra chính sách “không mở rộng giao thông đường bộ” để đầu tư vào hệ thống đường sắt và giao thông công cộng.

Để giải quyết được vấn đề này cần đa dạng các giải pháp giao thông, như bố trí các công trình công cộng trong bán kính đi bộ từ mọi gia đình, giảm mật độ tại khu vực có giao thông hạn chế, gia tăng các công trình công cộng tại khu vực nhà ga đường sắt, trạm xe buýt để người dân tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

KTS. Nguyễn Đỗ Dũng cũng cho biết thêm, ngoài những giải pháp trên, Hà Nội cần phải xây dựng năng lực quy hoạch, thông qua việc đào tạo chuyên ngành về quy hoạch giao thông, thực tế ngành quy hoạch giao thông ở Việt Nam mới được hình thành chưa lâu. Việc đào tạo nhân lực nghiên cứu tích hợp quy hoạch đô thị trên nền quy hoạch giao thông hay xây dựng quy trình đánh giá tác động giao thông của các dự án sẽ là bước đi quan trọng để xây dựng năng lực quy hoạch giao thông.

Giám đốc Phát triển phân ngành giao thông FPT IS Nguyễn Toàn Thắng phân tích, bên cạnh những giải pháp về xây dựng hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất gắn với phát triển hạ tầng giao thông thì hệ thống giao thông và an ninh công cộng cần phải được định hướng, thiết kế, xây dựng, triển khai và vận hành theo hướng tiếp cận tổng thể của một TP thông minh. Cách mạng công nghiệp 4.0 có tác động tích cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Xu hướng công nghệ sẽ giữ vai trò tiên phong trong quản lý và vận hành hệ thống giao thông thông minh tại những đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Từ các công nghệ, giải pháp của cơ sở hạ tầng số kết nối được với cơ sở hạ tầng vật lý và môi trường thiên nhiên của đô thị sẽ giúp cho hệ thống được quản lý và vận hành một cách bền vững.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần