Giảm tải chương trình học mùa dịch Covid-19: Là thách thức, cũng là cơ hội

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, một vấn đề được toàn xã hội quan tâm, đó là Bộ GD&ĐT sẽ quyết định ra sao trong việc giảm tải chương trình các cấp học để phù hợp với tình trạng học sinh nghỉ học kéo dài do ảnh hưởng của nạn dịch Covid -19.

Với đối tượng học sinh lớp 9 sẽ thi vào lớp 10 và học sinh khối lớp 12 tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển vào Đại học, điều này lại càng quan trọng. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong tháng 3 này, theo thông báo ngày 23/3 từ Bộ GD&ĐT.
Dạy học trực tuyến đang được khuyến khích trên diện rộng. Ảnh: Bảo Trọng
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, việc rà soát nhằm tinh giản nội dung chương trình giáo dục từ lớp 1 đến lớp 12 để thực hiện trong tình thế trước mắt khi năm học đang phải gián đoạn vì dịch Covid-19 đang được khẩn trương tiến hành.
Cũng theo ông Thành, việc tinh giản sẽ không thực hiện với phương án cắt bỏ một cách cơ học mà sẽ rà soát kỹ để giữ lại những nội dung cơ bản nhất bảo đảm yêu cầu về kiến thức - kỹ năng, giảm bớt những nội dung nâng cao, những yêu cầu vận dụng... Để thực hiện yêu cầu này, Bộ GD&ĐT đã huy động giáo viên có kinh nghiệm từ các trường phổ thông, chuyên gia giáo dục, tác giả tham gia biên soạn chương trình, sách giáo khoa để cùng rà soát, thống nhất những nội dung có thể tinh giản.
Cùng với việc tinh giản chương trình, việc tổ chức các kỳ thi, vào lớp 10 và tốt nghiệp phổ thông, tuyển sinh vào đại học, đặc biệt trong khâu ra đề cũng sẽ được chú ý, giảm tải sức ép với học sinh trong điều kiện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay.
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên ngành Giáo dục đưa ra câu chuyện giảm tải chương trình. Trên thực tế, từ năm 2011 đến nay, Bộ GD&ĐT đã có những hướng dẫn liên quan đến công việc này. Với các Văn bản số 5842 ban hành tháng 9/2011, Văn bản số 4612 năm 2017… cùng nhiều tài liệu khác, Bộ đã đưa ra những hướng dẫn điều chỉnh về nội dung chương trình, phương pháp dạy và học theo hướng tinh giản, đổi mới.
Gần đây nhất, tháng 12/2018 Bộ GD&ĐT cũng đã chỉ ra 6 nguyên nhân khiến việc học hành của học sinh trở nên quá tải, đề ra 6 biện pháp “giảm tải” khi công bố Chương trình giáo dục phổ thông mới dự kiến bắt đầu thực hiện từ năm học 2020 - 2021 đối với lớp 1.
Như vậy có thể nói, chủ trương giảm tải cũng như các biện pháp thực hiện chủ trương đó không phải đến bây giờ, khi học sinh nghỉ học kéo dài do dịch bệnh Covid - 19 mới là vấn đề được đặt ra và tìm cách giải quyết. Chỉ có điều chủ trương cùng những biện pháp đó, vì nhiều lý do, cả khách quan và chủ quan đã không được thực hiện triệt để, mặc dù đã từ lâu toàn xã hội cũng như ngành GD&ĐT đều thấy đây là việc làm cần thiết, thậm chí là cấp thiết.
Trở lại yêu cầu giảm tải trước tình trạng học sinh phải nghỉ học dài ngày do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ngành GD&ĐT và xã hội đang đứng trước một tình huống bất khả kháng, không thể thờ ơ hay do dự, chần chừ. Việc tinh giản chương trình không còn là chuyện nên hay không nên. Vấn đề hiện nay là làm sao đưa ra phương án cắt giảm, tinh giản chương trình theo hướng đảm bảo chất lượng, nhằm vào những nội dung không thật sự cần thiết cùng với việc thay đổi cách dạy, cách học, cách thi.
Có một quan điểm được bà Li Edelkoort - chuyên gia dự đoán xu hướng nổi tiếng thế giới đưa ra trong khi trả lời phỏng vấn trên Dezeen.com mới đây về những ảnh hưởng của Covid-19 đến kinh tế, văn hóa, lối sống của nhân loại.
Đó là virus Corona “cho” loài người cơ hội thiết lập lại hệ thống các giá trị. Mà trong đó, theo bà, kỹ năng cải tiến và sáng tạo là tài sản quý giá nhất. Về quan điểm của Li Edelkoort cũng còn những điều cần trao đổi, nhưng có thể thấy nhận định trên là xác đáng.
Với ý nghĩa đó, có thể nói những vấn đề đặt ra với ngành GD&ĐT cũng như toàn xã hội, cụ thể là việc thực hiện giảm tải là thách thức, nhưng cũng là cơ hội. Đã đến lúc cần thực hiện việc giảm tải nội dung, chương trình giáo dục phổ thông một cách quyết liệt, không chỉ trong mùa đại dịch Covid-19 này!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần