Giảm tải dân số cơ học ở các đô thị lớn: “Siết” thôi… chưa đủ

Vân Hằng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng cũng đề xuất “20m2 sàn/người mới được đăng ký thường trú ở quận trung tâm”.

 GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT
Về logic, khống chế diện tích nhà ở được lập luận giảm áp lực hạ tầng, quản lý dân cư, chống trục lợi, lạm dụng hộ khẩu. Song, thực tế không dễ như kỳ vọng, nhất là trong bối cảnh cào bằng 20m2 cho cả khu vực nội, ngoại thành như TP Hồ Chí Minh. Giới chuyên môn nhận định, căn cơ nhất vẫn phải kết hợp phát triển các dải đô thị vệ tinh hiện đại.

Liên quan đến vấn đề này, Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT.
Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh vừa đề xuất diện tích bình quân để đăng ký thường trú là 20m2 sàn/người và không phân chia khu vực. Quan điểm của ông với đề xuất này?

- Ở góc độ những nhà làm quản lý, họ luôn kỳ vọng số lượng công dân và mật độ dân cư của TP ở giới hạn chịu đựng được của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội. Đây là nguyện vọng chính đáng. Tuy nhiên, sự di cư là một quá trình tất yếu của đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế. Muốn giảm áp lực cho các đô thị lớn cần đưa ra những chính sách linh hoạt, kịp thời với tốc độ hóa đô thị chứ không nên quản lý bằng một biện pháp hành chính quá cứng nhắc. 
 Khách hàng tham khảo thông tin căn hộ tại Hội chợ quốc tế bất động sản ở Hà Nội năm 2017. Ảnh: Công Hùng
Tôi đặt câu hỏi ngược lại: “Quy định 20m2 sàn nhà ở mới được nhập hộ khẩu. Nếu quy chiếu như vậy hàng triệu người lao động đã đang thuê, ở nhà dưới mức diện tích này sẽ bị “đuổi” ra khỏi TP đúng không? Thế nhưng, nguồn lực và tiềm lực để thực thi hầu như không đáp ứng nổi.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội

Bất động sản TP Hồ Chí Minh:

Hiện nay, vẫn còn rất nhiều hộ gia đình đang sống trong các căn nhà rất chật hẹp. Thậm chí chỉ có diện tích trên dưới 20m2 mà có đến hàng chục người trong hộ khẩu. Do vậy, đề nghị nên quy định điều kiện để xét nhập hộ khẩu với diện tích ở tối thiểu bình quân 15m2/người (tương tự như TP Hà Nội đang áp dụng 15m2/người) và chỉ áp dụng đối với người nhập cư (tăng cơ học) xin nhập hộ khẩu, và không áp dụng điều kiện 15m2/người đối với các trường hợp xin nhập hộ khẩu do quan hệ hôn nhân, huyết thống, người bảo hộ theo pháp luật quy định.

Giải quyết nhập cư một cách căn cơ nhất chính là giảm khoảng cách đô thị và các vùng lân cận. Một khi chúng ta kiến tạo thành công các đô thị vệ tinh phát triển, hiện đại, chất lượng sống ổn định, chắc chắn dân lao động không tội gì phải bươn chải ở các đô thị sầm uất để bị coi là công dân hạng hai.

Đó là chưa kể việc xác minh diện tích nhà ở hiện nay phải dựa vào xác thực của UBND quận, phường. Trong khi đó, liệu rằng các đơn vị sở tại trên có đủ dữ liệu để xác minh việc này không? Nguy cơ nhũng nhiễu sẽ xuất hiện từ biện pháp hành chính này. Liệu ai sẽ là người kiểm soát việc này, dựa trên cơ sở dữ liệu nào để xác minh người dân có đủ điều kiện để đăng ký thường trú. Không có đơn vị thứ ba giám sát, không loại trừ khả năng sẽ lại dẫn đến những tiêu cực để có được chứng nhận diện tích nhà ở để đăng ký nhập cư.

Đó là chưa kể đến việc đặt ra tiêu chuẩn quá cao để đăng ký hộ khẩu thường trú có thể khiến nhiều người dân muốn có hộ khẩu TP nghĩ ra đủ chiêu để lách luật. Chẳng hạn như thuê nhà rộng để ở cho đủ thời gian đăng ký hộ khẩu. Sau đó, di chuyển đến chỗ trọ có diện tích nhỏ hơn sinh sống. Vòng luẩn quẩn này vô hình chung làm vấn đề quản lý trật tự đô thị vất vả hơn rất nhiều.

Vậy, làm thế nào để có thể hạn chế dòng người nhập cư?

- Tại các đô thị phát triển, không dùng biện pháp hành chính để quản lý mà họ áp dụng đánh thuế sử dụng đất cao đối với khu vực thành thị. Điều đó dẫn đến những người có đủ điều kiện và thu nhập mới có thể sống được ở TP và đô thị lớn. Những đối tượng có thu nhập ít hơn sẽ chọn những khu vực ngoại vi để sinh sống.

Đối với TP Hồ Chí Minh và các TP lớn khác, cũng nên áp dụng biện pháp này. Ai có đủ điều kiện thì sẽ trụ lại được ở TP, đối tượng thu nhập thấp sẽ ở khu ngoại thành. Giải pháp về thuế hay nói cách khác giải pháp về kinh tế sẽ hiệu quả hơn nhiều so với giải pháp hành chính. Ở Việt Nam, hiện nay thuế sử dụng đất phi nông nghiệp rất thấp chỉ là 0,03%, trong khi các nước trên thế giới là 1%. Vậy làm sao có thể ngăn được dòng người di cư đến các đô thị lớn?

Ông có thể phân tích cụ thể hơn về quy hoạch phát triển dải đô thị vệ tinh để giãn dân?

- Còn sự khác biệt về kinh tế thì chắc chắn còn hiện tượng “nước chảy về chỗ trũng”. Do đó, về quy hoạch, cần phải tạo ra các trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp, vành đai các đô thị vệ tinh ở phía xa trung tâm nhưng chất lượng xấp xỉ trung tâm để ngăn chặn các luồng người đổ dồn vào vùng lõi, tìm cách phân chia bớt dòng chảy ra các phía khác nhau. Ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, vấn đề không phải là hộ khẩu mà quản lý dân số bằng chính sách tạo cơ hội công ăn việc làm trong vùng đô thị. Xa hơn nữa là tạo cơ hội để phát triển các tỉnh, thành khác trên cả nước. Tuy nhiên, không thể chỉ hoạch định Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là các TP mẹ, gánh vác trách nhiệm cho các TP lân cận và trong vùng, mà cả hai TP này đang cần những chiến lược phát triển quyết liệt để hoàn thiện chính bản thân mình: Giãn dân ra ngoại vi, tăng cường hạ tầng và giao thông công cộng, xác định rõ các nền kinh tế chủ đạo và nhường bớt chức năng cho các TP lân cận. Nhất là cần sự tự chủ cho các TP liền kề và các TP trong vùng để cùng phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP cũng đã quy định diện tích căn hộ nhà ở xã hội tối thiểu 25m2, nếu vợ chồng chủ căn hộ có 2 con thì diện tích bình quân chỉ hơn 6m2/người; hoặc tại Điều 3 Thông tư số 20/2016/TT-BXD ngày 30/06/2016 của Bộ Xây dựng đã quy định tiêu chuẩn tối thiểu của nhà ở xã hội do hộ gia đình, cá nhân xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua thì mỗi phòng trọ có diện tích không nhỏ hơn 10m2, diện tích sử dụng bình quân không nhỏ hơn 5m2/người.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần