Giảm tai nạn giao thông liên quan đến xe ưu tiên: Cần quy định chặt hơn

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù Luật Giao thông đường bộ đã quy định, các phương tiện phải nhường đường cho xe, đoàn xe ưu tiên đang phát tín hiệu đi làm nhiệm vụ.

Tuy nhiên, trước những hậu quả khó lường do xe ưu tiên gây ra khi tham gia giao thông cũng cần xem xét, quy định nghiêm ngặt hơn về điều kiện được đi ngược chiều, để tránh những hậu quả khôn lường.
Những bài học đắt giá
Lại thêm một vụ tai nạn thương tâm giữa xe ưu tiên và phương tiện giao thông khác lại dấy lên những lo ngại về ATGT. Cụ thể, ngày 1/4/2019, chiếc xe cứu thương chở bệnh nhân chuyển viện (BKS TP Hồ Chí Minh), khi di chuyển tới nút giao Trần Hưng Đạo - Nguyễn Tất Thành (TP Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã vượt đèn đỏ và bất ngờ va chạm với xe ô tô BKS 72C – 052.22. Cú tông mạnh khiến xe bán tải lăn nhiều vòng, va vào đuôi xe ô tô 4 chỗ đang chạy trên đường Nguyễn Tất Thành. Hậu quả là 3 người trên 2 xe bị thương được chuyển vào Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu.
 Xe cứu thương di chuyển trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh: Phạm Hùng
Sự việc khiến dư luận xôn xao hơn cả là vụ xe cứu hỏa của Phòng Cảnh sát PCCC số 12 (Hà Nội) gồm 7 chiến sĩ nhận nhiệm vụ lên đường cứu hộ hai nạn nhân bị mắc kẹt trên xe khách 16 chỗ gặp nạn tại cao tốc Pháp Vân bị xe khách giường nằm đâm ngang hông trái (ngày 18/3/2018). Vụ tai nạn đã khiến 6 chiến sĩ trên xe cứu hỏa phải nhập viện, trong đó 3 người bị thương nặng, một người tử vong. 5 người trên xe khách phải nhập viện, gồm cả lái và phụ xe.
Đây chỉ là hai trong số hàng chục vụ TNGT giữa xe ưu tiên và phương tiện khác trong hai năm gần đây. Vụ việc xảy ra ngay đầu tháng Tư này lại thêm những lo ngại về xe ưu tiên. Trong mấy ngày nay, dư luận tiếp tục đưa ra những ý kiến trái chiều nhau xung quanh việc lưu thông của xe ưu tiên.
Tựu chung lại, theo quy định của pháp luật, xe cứu hỏa, cứu thương được quyền ưu tiên trong quá trình di chuyển, nhưng cần bảo đảm đủ các điều kiện về ATGT, ví như khi vào cao tốc, phải có khoảng trống ít nhất 300 - 500m, di chuyển ở cao tốc hoặc đường trung tâm phải có tốc độ cho phép để các lái xe có thể xử lý kịp tình huống bất ngờ... Nhiều người còn đề nghị nên bỏ quy định xe ưu tiên được chạy ngược chiều trên cao tốc.
Sẽ sửa đổi quy định của luật
Trước những ý kiến còn trái chiều của dư luận về việc xe ưu tiên có được quyền đi ngược chiều hay không, theo luật sư Đặng Thành Chung (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), xe cứu hỏa được phép đi ngược chiều khi làm nhiệm vụ, kể cả đường cao tốc. Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định, xe cứu hỏa được quyền đi vào làn đường ngược chiều khi làm nhiệm vụ và phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định.
Nhiều chuyên gia giao thông nhìn nhận, để giảm thiểu những TNGT thương tâm đáng tiếc giữa xe ưu tiên và phương tiện khác, các cơ quan chức năng nên rà soát, nghiên cứu việc cho phép chạy ngược chiều trên đường cao tốc sao cho phù hợp. Đại diện Vụ trưởng Pháp chế (Bộ GTVT) thông tin, Bộ GTVT đang lấy ý kiến các bộ, ngành và sẽ trình Chính phủ chủ trương sửa đổi Luật Giao thông đường bộ.
Trong quá trình soạn thảo dự luật, Bộ GTVT sẽ thu nhận đóng góp của người dân, chuyên gia về nội dung bất cập của Luật. Về quy định quyền ưu tiên của xe cứu hộ trên cao tốc, Bộ GTVT cũng sẽ đưa ra bàn thảo trong quá trình sửa đổi luật tới đây.

"Căn cứ theo khoản 3 Điều 22, Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường, không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên. Nếu vi phạm, ngoài bị phạt tiền (từ 500.000 – 3.000.000 đồng), người điều khiển xe vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung là bị tước quyền sử dụng GPLX từ 1 - 3 tháng." - Luật sư Nguyễn An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)