Giảm tải nội dung môn học THCS: Gấp rút xây dựng lộ trình tự học

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT giảm tải khá triệt để, giúp chương trình dạy học tinh gọn, vừa bảo đảm với quỹ thời gian năm học bị thu hẹp, không tạo áp lực học tập cho học sinh (HS). Các giáo viên khuyên HS lớp 9 tăng cường tự học để bảo đảm đủ lượng kiến thức ôn thi vào lớp 10 năm học 2020 – 2021.

Giảm tải vẫn bảo đảm kiến thức
Do tình hình phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh nội dung dạy học kỳ II năm học 2019 - 2020. Theo đánh giá của các giáo viên Hệ thống Giáo dục HOCMAI (HOCMAI), mặc dù có nhiều nội dung được tinh giản nhưng tính hệ thống của các môn học vẫn được bảo đảm, giúp nhà trường giảm bớt được gánh nặng về giảng dạy và HS có thể chủ động tự đọc trực tiếp từng văn bản, tự thực hành phần lớn nội dung học.
Ông Nguyễn Phi Hùng – giáo viên Ngữ văn HOCMAI phân tích: Môn Ngữ văn có khối lượng kiến thức được giảm tải khá lớn, trải rộng trên tất cả các phần Văn, Tiếng Việt và Tập làm văn; giúp HS giảm đáng kể lượng kiến thức cần học trong thời gian còn lại của năm học. Môn Ngữ văn được giảm tải theo 3 hình thức: Không dạy trọn vẹn một bài; khuyến khích HS tự đọc/tự làm cả bài hoặc một phần của bài học; tích hợp các bài học có cùng chung đặc điểm về nội dung, thể loại.
 Học sinh lớp 9 tại Hà Nội ôn tập qua truyền hình tại nhà. Ảnh: Phạm Hùng
Đối với môn Toán, ông Hồng Trí Quang – giáo viên môn Toán HOCMAI phân tích: Bộ GD&ĐT đã giảm bớt một số tiết luyện tập, gộp các tiết luyện tập lại, bỏ một số tiết thực hành ngoài trời. Một số nội dung được chuyển sang kiến thực tự học có hướng dẫn là những kiến thức rất cơ bản.
Một số phần kiến thức được chuyển thành khuyến khích HS tự học tại nhà, không quá ảnh hưởng đến quá trình tiếp thu kiến thức ở những phần sau, lớp sau; hoặc là những bài luyện tập ở mức độ cao hơn. Bộ cũng bỏ một số chứng minh tính chất, định lý, nhằm giảm bớt thời gian làm việc trên lớp của thầy cô.
Xây dựng lộ trình tự học tại nhà
Trước băn khoăn về việc tinh giản có ảnh hưởng đến lộ trình ôn thi vào lớp 10 của HS lớp 9, ông Quang cho rằng: Đối với môn Toán, những nội dung không dạy của lớp 9 (cắt hình trụ bởi một mặt phẳng, hình nón cụt) không ảnh hưởng gì, bởi những đề thi năm trước vào lớp 10 của Hà Nội và nhiều tỉnh, thành không thi phần này.
Một số phần điều chỉnh thành khuyến khích HS tự học như cung chứa góc, xác suất thi vào sẽ thấp hơn, HS có thể học nhanh qua phần này. Tuy nhiên, HS nào muốn được điểm cao thì phải học kỹ và sâu.
Ông Quang cũng tư vấn, phần tự học có hướng dẫn thuộc 2 loại. Loại 1 kiến thức rất cơ bản, mang tính giới thiệu, HS phải tự học một cách rất nghiêm túc. Loại 2, kiến thức đó không quá cần thiết để tiếp thu bài học sau hoặc năm sau (góc trong và góc ngoài đường tròn, cung chứa góc), thường thì xác suất xuất hiện trong các kỳ thi thấp hơn. Tuy nhiên, HS vẫn phải tự học bởi những kiến thức đó đều xuất hiện dưới dạng ẩn trong các bài học về sau.
Đối với môn Ngữ văn, ông Hùng, khuyên HS chuẩn bị thi vào lớp 10 nên tập trung ôn luyện vào các đơn vị kiến thức trọng tâm trong học kỳ I và một số bài giữ lại trong chương trình học kỳ II. Với môn Hóa, HS lớp 9 lưu ý các chủ đề: Phi kim, Hiđrocacbon, Gluxit, Rượu và axit, Chất béo, Protein, Polime tách riêng.
Với việc điều chỉnh chương trình THCS, nhiều giáo viên khuyên HS gấp rút xây dựng lộ trình tự học tại nhà từ nay đến 15/7/2020; mỗi tuần, lên kế hoạch 3 - 4 tiết học của bộ môn. HS có thể tham gia các lớp học online nghiêm túc, tích cực sẽ hoàn thành chương trình với kết quả tốt.
“Để việc tự học tốt nhất, nên xây dựng kế hoạch nghiên cứu tài liệu, sách giáo khoa, học cách đọc sách hiệu quả, ghi nhớ bài học theo thẻ nhớ. HS cố gắng giải quyết tất cả các bài tập trong sách giáo khoa theo bài và tuần, tích cực liên lạc xin trợ giúp từ các thầy cô bộ môn” - bà Phạm Thị Thúy Ngọc – giáo viên Hóa học, HOCMAI khuyên.

"Đa phần các bài được giảm tải mục tiêu, giảm yêu cầu bài học và chỉ cốt hình thành khái niệm, giúp HS nắm được những đơn vị kiến thức cơ bản và cần thiết nhất." - Ông Nguyễn Phi Hùng – Giáo viên Ngữ văn HOCMAI