Giảm tải ùn tắc giao thông: Thực thi những giải pháp đồng bộ

Bài, ảnh: Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày qua, Hà Nội xuất hiện những cơn mưa kéo dài đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình giao thông.

Tại bất cứ đâu, chủ đề chính được người dân đem ra bàn luận không gì khác ngoài 2 chữ “tắc đường”.
Lỗi đâu của hạ tầng
Câu chuyện UTGT tại Thủ đô vào những ngày giáp Tết không phải chuyện quá mới mẻ. Và từ mấy ngày nay, thời tiết chuyển lạnh, kèm theo mưa nhỏ đúng vào dịp cuối năm khi nhu cầu đi lại của người dân tăng cao gây quá tải hệ thống hạ tầng giao thông khiến nhiều tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc. Tại đường Trần Phú (Hà Đông), Lê Văn Lương, Trường Chinh, nút Chiến Thắng – Trần Phú, Xuân Thủy, Cầu Giấy… đặc biệt vào giờ cao điểm, việc đi lại của người dân đã gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng ùn tắc diễn ra nghiêm trọng tại những cung đường lòng đường đang bị thu hẹp để phục vụ thi công các dự án hạ tầng giao thông.

 Dòng phương tiện ùn ứ trên đường Trần Phú, quận Hà Đông.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ngoài những nguyên nhân khách quan, điều khiến tình trạng ùn tắc tại Thủ đô trong những ngày qua trở nên phức tạp có một phần trách nhiệm của chính những người tham gia giao thông. Cụ thể, tại nhiều tuyến đường, nút giao, thay vì tuân thủ theo hiệu lệnh của lực lượng chức năng, tín hiệu đèn giao thông, nhiều trường hợp đã cố tình vượt ẩu. Thậm chí, không ít người còn đi ngược chiều…  tạo ra những xung đột giao thông. Ngoài ra, việc thời tiết trở lạnh kèm theo mưa đã khiến nhiều gia đình chọn giải pháp di chuyển bằng xe ô tô cá nhân, xe taxi càng khiến diện tích lòng đường bị thu hẹp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc di chuyển của các phương tiện.
Tổ chức lại giao thông là chưa đủ
Theo Đại tá Đào Vịnh Thắng – Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội, để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân trong dịp giáp Tết Nguyên đán, đặc biệt trong những ngày mưa bão, Phòng CSGT đã bố trí 100% quân số phối hợp với Công an các quận, huyện, Thanh tra GTVT, Trung đoàn Cảnh sát Cơ động… ứng trực, tổ chức phân làn giao thông tại các nút giao, tuyến đường có nguy cơ UTGT để đảm bảo nhu cầu đi lại của người dân. Bên cạnh đó, Phòng CSGT cũng đã đề nghị Sở GTVT tổ chức lại giao thông tại một số nút giao, tuyến đường mà công tác tổ chức giao thông còn nhiều bất cập như nút Nguyễn Chí Thanh – Nguyên Hồng, tuyến Phan Chu Trinh…
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nếu chỉ trông chờ vào các lực lượng trực tiếp tổ chức phân làn giao thông thì khó có thể cải thiện được vấn đề này. Bởi, các dòng phương tiện như những dòng nước, nếu tuyến đường này tắc, tự họ sẽ có những lựa chọn di chuyển sang tuyến đường khác ít tắc hơn. Đơn cử, tại đường Lê Văn Lương, sau khi tuyến đường này triển khai hệ thống buýt BRT, nhiều phương tiện đã chuyển sang đường Nguyễn Trãi để giảm thời gian ùn tắc, nhưng khi "chạm nhau" thì lại rơi vào thế... tắc.
Để giảm thiểu tình trạng nêu trên, đặc biệt trong những ngày giáp Tết, nhiều chuyên gia cho rằng, ngoài việc người dân phải nâng cao ý thức chấp hành các quy định của luật giao thông, thì chính quyền các địa phương phải thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng trong việc cấp phép tạm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh. Cùng với đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý những trường hợp lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, dừng đỗ phương tiện sai quy định gây cản trở giao thông.
Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội đang đề nghị Sở GTVT bỏ dải phân cách tại ngã tư Nguyễn Chí Thanh – Nguyên Hồng, cho phép các phương tiện đi 2 chiều trên Đê La Thành. Bên cạnh đó, Phòng CSGT đề nghị cắm biển cấm từ phố Nguyên Hồng hướng ra nút giao theo phương án, chỉ cho phép phương tiện vào, còn đi ra phải đi hướng khác.
Trưởng phòng CSGT, Công an TP Hà Nội  Đào Vịnh Thắng

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần