Giảm thiểu suy thoái môi trường: Hướng tới nền kinh tế xanh

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sự phát triển "nóng" của các ngành kinh tế đã và đang để lại hậu quả lớn cho môi trường...

Đây là nhận định của TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương tại Hội thảo "Đối thoại chính sách: Tăng trưởng xanh - Cơ hội, thách thức và sự lựa chọn nào cho Việt Nam?".
 
Phát triển kinh tế gây ô nhiễm môi trường

Tại Việt Nam, cùng với sự tăng trưởng kinh tế cũng đã kéo theo tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường ngày càng trầm trọng, đặc biệt là ô nhiễm nguồn nước mặt, ô nhiễm không khí ở các khu đô thị, các khu công nghiệp và các làng nghề ở khu vực nông thôn. Thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường đã xảy ra ở nhiều vùng trong cả nước. Ví dụ điển hình của những thiệt hại đó, như "Làng ung thư" ở Thạch Sơn (Phú Thọ); thiệt hại của nông dân hạ lưu sông Thị Vải (Đồng Nai), kéo dài trong nhiều năm do nhà máy bột ngọt Vedan xả thải trực tiếp nguồn nước ô nhiễm ra sông; nhiều dòng sông cá chết hàng loạt do các doanh nghiệp xả thẳng nước thải vào nguồn nước sông không qua xử lý như sông Nhuệ, sông Đáy, sông Đồng Nai… Tại các bệnh viện, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương số bệnh nhân nhập viện liên quan đến bệnh hô hấp và tiêu chảy, rối loạn tiêu hóa tăng lên hàng năm. Mà nguyên nhân được các bác sĩ xác định không ngoài sự ô nhiễm không khí và nguồn nước nơi sinh sống của các bệnh nhân. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở các ngành công nghiệp, giao thông, xây dựng...

Lý giải về tình trạng môi trường ngày càng bị ô nhiễm gây hại cho sức khỏe con người, TS Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên & Môi trường đã chỉ ra một loạt tác nhân. Cụ thể, nhiều nhà máy, khu công nghiệp hiện đang sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu đã tiêu tốn nhiều nguồn năng lượng, gây phát sinh nhiều chất thải ô nhiễm. Bên cạnh đó việc sử dụng năng lượng có nguồn gốc hóa thạch như than, xăng, dầu đang diễn ra ở nhiều nơi, nhiều tỉnh, thành từ nông thôn tới đô thị. Đặc biệt là khí thải do phương tiện giao thông đang hàng ngày, hàng giờ thải ra môi trường khiến cho môi trường ngày càng ô nhiễm khói, bụi. Trong khi đó, ngành sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo lại chưa phát triển...

Giải pháp nào giảm suy thoái môi trường?

Theo ông Thái Quang Trung, Giám đốc Tổ chức Thế giới xanh (Green World), Việt Nam có nhiều lợi thế trong việc phát triển bền vững. Điển hình là Việt Nam có thể chuyển các dự án bảo quản rừng thành các dự án Cơ chế phát triển sạch (CDM) nhằm thu hút và biệt lập khí thải CO2, có một vị trí quan trọng trong các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, ngư nghiệp, thủy sản cũng là một thế mạnh cần khai thác và việc chế biến theo hướng sạch, mở ra những triển vọng mậu dịch song phương với nhiều thị trường mới trên thế giới.

Để hướng tới nền kinh tế xanh với mục tiêu giảm thiểu chất thải gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, TS Nguyễn Văn Tài, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên & Môi trường cho rằng, trước hết cần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng thân thiện hơn với môi trường qua việc phát triển các ngành kinh tế xanh, sản xuất hàng hóa, phát triển dịch vụ môi trường, phát triển năng lượng sạch; đồng thời cần gỡ bỏ các rào cản, hình thành môi trường pháp lý thuận lợi, cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển, tạo lợi thế cạnh tranh cho sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ sạch, tiết kiệm năng lượng, xử lý chất thải. Ngoài ra, cần đầu tư phát triển một số ngành kinh tế xanh mũi nhọn như phát triển du lịch sinh thái, tái sinh rừng tự nhiên, phát triển ngành dịch vụ môi trường...
 
 
Từ tháng 8/2008, Hàn Quốc, một trong những quốc gia đi đầu về tăng trưởng xanh, đã xây dựng một chiến lược sống còn là dành trên 80% trong gói kích cầu kinh tế khoảng 38,1 tỉ USD cho việc chuyển dịch từ nền kinh tế nâu (nền kinh tế cũ không có sự cân bằng giữa các yếu tố con người, xã hội và môi trường) sang nền kinh tế xanh.
 
 
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần