Giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt: Trách nhiệm không của riêng ai

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong tổng số các vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra hàng năm, đường sắt chiếm một tỷ lệ nhỏ so với đường bộ, nhưng khi tai nạn đã xảy ra, hậu quả thường rất nghiêm trọng.

Tử vong vì chủ quan
Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong 8 tháng năm 2017, toàn quốc xảy ra gần 200 vụ TNGT đường sắt, trong đó có những vụ đặc biệt nghiêm trọng. Điển hình, vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường sắt thuộc địa phận phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai ngày 1/2. Nguyên nhân là khi tài xế ôtô 16 chỗ lưu thông qua đường ngang có biển báo, nhưng do chủ quan, thiếu quan sát nên đâm vào tàu khách SQN1 làm 2 người chết, 7 người bị thương.
Tiếp đó, vào ngày 24/4, trên tuyến đường sắt thuộc địa phận xã Phước Thành, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định, lái xe ô tô 7 chỗ mặc dù nhận được cảnh báo tự động, vẫn điều khiển xe lưu thông và đâm va với đoàn tàu số hiệu TN1, khiến 4 người chết, 2 người bị thương.

Đoạn đường ngang không có barie chắn tàu đoạn qua huyện Thanh Trì. Ảnh: Công Hùng

Gần đây nhất, ngày 3/9, tại huyện Bố Trạch, Quảng Bình, tàu SE3 đã đâm vào chiếc máy xúc khi cố đi qua đường dân sinh tự mở vượt đường sắt làm lật đầu máy và 2 toa xe... khiến tuyến đường sắt Bắc – Nam ách tắc trong nhiều giờ. Mặc dù toàn bộ hành khách đi trên tàu SE3 đều an toàn, nhưng tài xế lái máy xúc bị thương nặng.
Điều đáng nói, theo thống kê của ngành đường sắt, trong tổng số các vụ TNGT đường sắt, lỗi do người điều khiển phương tiện, người đi bộ (thậm chí còn ngồi chơi trên đường sắt) hai bên hành lang an toàn đường sắt chiếm đến 44%. Điều đáng quan tâm, đối với vị trí xảy ra các vụ tai nạn, có 40% số vụ xảy ra tại các lối đi dân sinh tự phát. Và theo điều tra tại hiện trường của các lực lượng chức năng, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn xuất phát từ chính ý thức của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt cũng là một trong những nguyên nhân khiến TNGT đường sắt ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường.
Khẩn trương xóa các đường ngang tự phát
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, thực hiện các biện pháp cấp bách về đảm bảo ATGT đường sắt, ngành đường sắt phối hợp với các địa phương tổ chức cảnh giới thường xuyên tại 370 vị trí, xóa bỏ 242 lối đi tự mở, thu hẹp 983 vị trí. Tổ chức cắm bổ sung biển báo hiệu “Chú ý tàu hỏa” tại 1.120 vị trí... Ngoài ra, ngành đường sắt đã tiến hành rà soát toàn bộ các vị trí đường ngang, lối đi dân sinh do địa phương, DN tổ chức để có biện pháp điều tiết giao thông, cảnh giới, cảnh báo một cách có hiệu quả. Cùng với đó, ngành đường sắt sẽ tiếp tục phối hợp với các các tổ chức đoàn thể, chính quyền các địa phương nơi có đường sắt đi qua tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông trong việc chấp hành các quy định của luật giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia Trần Hữu Minh cho rằng, trong hoàn cảnh ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế, thì việc nâng cao chất lượng cảnh giới, cảnh báo, hạ tầng đường sắt nói chung và tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt… là một trong những nhiệm vụ cần được ưu tiên thực hiện.
Để ngăn ngừa, kiềm chế TNGT đường sắt cần có các giải pháp đồng bộ, lâu dài. Theo đó, công tác quản lý, giám sát, điều tiết giao thông tại các địa phương có nhiều điểm giao cắt với đường sắt phải được duy trì nghiêm túc, khoa học. Ông Minh cũng cho rằng, tại các điểm giao cắt giữa đường bộ với đường sắt không có rào chắn, ngành đường sắt và các đơn vị chức năng cần phải cảnh giới bảo đảm ATGT; Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng của các tỉnh, TP có đường sắt đi qua đề xuất phương án bảo đảm an toàn tại đường ngang trên toàn tuyến, bao gồm cả việc xây dựng đường gom, lập chắn đường ngang để xóa bỏ toàn bộ lối đi dân sinh hiện hữu, xác định trách nhiệm cụ thể của đơn vị, địa phương. Trong đó, phải đề xuất phương án và phân công rõ ràng trách nhiệm tổ chức cảnh giới an toàn cho toàn bộ đường ngang, bao gồm cả lối đi dân sinh.
Theo thống kê của ngành đường sắt, trên mạng lưới đường sắt hiện nay có gần 5.800 đường ngang. Trong đó, có hơn 4.200 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, luôn tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Cơ quan chức năng đang phối hợp với các địa phương tiến hành rà soát, tổng hợp các vị trí giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt để báo cáo Bộ GTVT cho phép làm gờ giảm tốc cưỡng bức.
Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia
Trần Hữu Minh

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần