Giảm thiểu tai nạn giao thông liên quan đến xe máy: Sớm có những chế tài mạnh

Đại úy Lê Thị Thảo - Đội CSGT, Công an huyện Thanh Trì
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Đề án Quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông, đến năm 2030, Hà Nội sẽ dừng hoạt động xe máy tại các quận nội thành.

Có thể thấy, trong bối cảnh hạ tầng chưa đáp ứng được sự gia tăng phương tiện cá nhân, đây là việc làm rất cần thiết. Tuy nhiên, về lâu về dài, để hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, tại Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, các cơ quan chức năng cần siết chặt việc quản lý các phương tiện, đặc biệt với xe máy.
Quản chặt ô tô, để lỏng xe máy

Xe máy, hay ô tô… suy cho cùng chỉ là một loại phương tiện để đi lại. Tùy hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, mỗi người có sự lựa chọn phù hợp dành riêng cho mình. Tuy nhiên, dù muốn hay không, phải thừa nhận rằng, sự phát triển quá nóng của 2 loại phương tiện này là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tai nạn và ùn tắc giao thông tại Thủ đô. Từ đó, việc hạn chế di chuyển bằng xe ô tô cá nhân và cấm lưu thông xe máy trong các quận nội thành là rất cần thiết nhưng chỉ là biện pháp tức thời. Để giảm thiểu tai nạn, ùn tắc giao thông, các cơ quan quản lý Nhà nước phải xây dựng các biện pháp, chế tài mạnh hơn, đặc biệt với với xe máy.

Làm thủ tục đăng ký xe tại Công an huyện Gia Lâm. Ảnh:  Phạm Hải

Nói như vậy là bởi, hiện nay, để quản lý xe ô tô, hay xe máy, cơ quan chức năng căn cứ vào 5 công cụ gồm: Đăng ký xe; Giấy phép lái xe; Bảo hiểm bắt buộc; Kiểm định; Niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, công tác quản lý, xử lý vi phạm của các lực lượng chức năng đối với xe máy còn bộc lộ rất nhiều bất cập. Đơn cử, với Giấy đăng ký xe, trong khi hầu hết ô tô khi sang tên đổi chủ đều đăng ký lại, thì nhiều chủ xe máy hiện không thực hiện điều này. Tương tự, đối với quy định Kiểm định định kỳ, trong khi xe ô tô quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật khá đầy đủ (từ xe mới đến xe đang lưu hành nhiều năm), giá trị kiểm định có thời hạn, thì với xe máy, các quy định trên chỉ áp dụng cho xe sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới. Không có quy định kiểm định định kỳ đối với xe đang lưu hành…

Cần giải pháp mang tính dài hơi

Như đã nói, việc quản lý, xử lý vi phạm của cơ quan chức năng đối với xe ô tô đang được thực hiện nghiêm túc, bài bản, hiệu quả hơn rất nhiều so với xe máy. Từ thực tế trên có thể dễ dàng nhận thấy, để nâng cao hiệu quả quản lý đối với xe máy, các cơ quan chức năng cần xem xét áp dụng các biện pháp đã và đang thực hiện đối với loại phương tiện này. Tức là, cần quy định thời gian cấp đổi Giấy phép lái xe, quy định chủ phương tiện xe máy phải tiến hành đăng kiểm định kỳ, quy định niên hạn sử dụng và kiên quyết xử lý các trường hợp sử dụng xe cũ nát, không đảm bảo an toàn kỹ thuật tham gia giao thông…

Dẫu biết, để thực hiện các đề xuất trên sẽ không đơn giản. Bởi, ở nhiều nước, đặc biệt là ở Việt Nam, xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chính của đại đa số người dân. Thậm chí, với nhiều gia đình, đây còn là “cần câu cơm”. Và, nếu các lực lượng chức năng áp các quy định đã và đang thực hiện đối với xe ô tô vào xe máy, chắc chắn sẽ có nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu không quyết liệt, việc cấm lưu hành xe máy tại các quận nội thành vào năm 2030 nói riêng và biện pháp giảm thiểu ùn tắc, tai nạn giao thông liên quan đến xe máy sẽ chỉ đem lại hiệu quả cho một khu vực nhất định, thiếu biện pháp dài hơi. Bởi, sẽ không có gì đảm bảo rằng, sau các quận nội thành, các khu vực ngoại thành tại Hà Nội sẽ không rơi vào tình trạng ùn tắc, mất ATGT do xe máy gây ra.
Theo nghiên cứu của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tính đến đầu tháng 4/2017, Việt Nam đã có hơn 3,1 triệu xe ô tô, và hơn 48,1 triệu xe máy. Cũng theo nghiên cứu này, trong tổng số các vụ tai nạn giao thông diễn ra hàng năm, xe ô tô chiếm từ 27 - 33% số vụ, xe máy chiếm từ 65 – 70% số vụ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần