Giảm thiểu TNGT: “Luật hóa” trách nhiệm lãnh đạo địa phương

Công Trình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội nghị trực tuyến công tác đảm bảo trật tự ATGT quý I và triển khai nhiệm vụ quý II/2017, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 2 tháng đầu năm, “bức tranh” TNGT đã có thêm nhiều gam màu sáng hơn so với cùng kỳ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đáng quan tâm, đặc biệt là số vụ TNGT nghiêm trọng trở lên gia tăng...

22 vụ tai nạn, 161 người thương vong
Theo báo cáo của Ủy ban ATGT Quốc gia, từ 16/12/2016 – 15/2/2017, toàn quốc xảy ra 3.465 vụ TNGT, làm chết 1.570 người, bị thương 2.660 người. So với cùng kỳ, TNGT giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Ủy ban ATGT cũng đưa ra những con số khiến không ít người giật mình. Cụ thể, tính từ đầu năm đến trước ngày 16/3, trên địa bàn toàn quốc đã xảy ra 12 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng làm chết 34 người, bị thương 30 người; 9 vụ tai nạn rất nghiêm trọng làm chết 17 người, bị thương 62 người. Và nếu tính thêm vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng diễn ra tại Hà Nam vào sáng ngày 16/3 khiến 18 người thương vong thì cả nước đã xảy ra 22 vụ TNGT khiến 161 người thương vong. Điều đáng nói, số vụ TNGT từ nghiêm trọng trở lên đang lan rộng ra ở đủ các loại hình vận tải, từ đường bộ (18 vụ), đường sắt (2 vụ) đến đường thủy nội địa (2 vụ).
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Theo phân tích của đại diện Cục CSGT (Bộ Công an), đối với đường bộ, tai nạn đều do lái xe vi phạm quy định trật tự ATGT như vi phạm tốc độ, lấn đường, kỹ năng lái xe kém; các vụ tai nạn thường xảy ra trên các tuyến quốc lộ nơi có đông phương tiện qua lại và trên các tuyến đường đèo dốc, nơi có địa hình hiểm trở, quanh co, tầm nhìn hạn chế và trên đường trong khu đô thị. Phần lớn nạn nhân tử vong trong các vụ tai nạn có liên quan đến xe máy, nạn nhân đều rất trẻ và đa phần ở các vùng nông thôn. Đối với đường sắt, tai nạn xảy ra là do người điều khiển phương tiện đường bộ vi phạm quy định ATGT khi vượt qua đường sắt tại các lối đi dân sinh. Trong khi đó, đối với đường thủy nội địa, nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn là do việc sử dụng phương tiện gia dụng không bảo đảm chất lượng, không có dụng cụ cứu sinh, chở quá số người quy định...

Lỗi không chỉ ở người tham gia giao thông

Từ những vụ tai nạn nghiêm trọng diễn ra thời gian qua, có thể thấy ý thức, kỹ năng của người điều khiển phương tiện còn nhiều hạn chế, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT. Tuy nhiên, nếu quy hết trách nhiệm cho người điều khiển phương tiện là chưa hoàn toàn khách quan. Bởi còn một thực tế khác là, nhiều đơn vị chức năng vẫn đang buông lỏng giám sát người tham gia giao thông trong chấp hành các quy định của pháp luật. Hiện, còn nhiều địa phương, nhiều đơn vị vẫn chưa thẳng thắn nhìn vào hạn chế này để khắc phục, thay đổi.

Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến tình hình trật tự, ATGT đang có chiều hướng diễn biến phức tạp là việc thiếu đi quy định để quy trách nhiệm với các đơn vị có liên quan. Cụ thể, ông Hùng cho biết, mặc dù Đảng, Chính phủ đã ban hành rất nhiều Nghị quyết, Chỉ thị về đảm bảo trật ATGT. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các đơn vị vẫn chưa ban hành được các quy định pháp lý về trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người thực thi công vụ trong bảo đảm trật tự ATGT. “Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương trong công tác bảo đảm trật tự ATGT hiện vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm chính trị của lãnh đạo. Nơi nào lãnh đạo làm mạnh, quyết liệt thì chuyển biến; những nơi chưa quan tâm, thiếu quyết liệt thì dẫn đến tình trạng buông lỏng quản lý Nhà nước, cũng như tuần tra, kiểm soát vi phạm trật tự, ATGT” - ông Hùng nêu ra thực tế.

Sẽ xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Đồng quan điểm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình nhìn nhận, một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng TNGT diễn biến phức tạp là người đứng đầu địa phương chưa nêu cao trách nhiệm trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị, coi đảm bảo trật tự, ATGT là vấn đề trọng yếu, được quan tâm thường xuyên đối với các cấp chính quyền và Nhân dân mỗi địa phương. Các thành viên Ủy ban, Ban ATGT các địa phương phải nâng cao tinh thần, trách nhiệm, thẳng thắn chỉ rõ những yếu kém, hạn chế, bất cập; đề xuất các giải pháp thiết thực cả trước mắt và lâu dài để thực hiện tốt hơn công tác bảo đảm trật tự ATGT trong thời gian tới. Đồng thời, xây dựng và tuyên truyền văn hóa giao thông, tinh thần thượng tôn pháp luật của mỗi người dân khi tham gia giao thông, qua đó từng bước kéo giảm TNGT... Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong thời gian tới, các đơn vị chức năng sẽ tiến hành “luật hóa” quy định trách nhiệm của lãnh đạo địa phương khi để TNGT tăng cao trên địa bàn.

Trong những năm qua, công tác đảm bảo trật tự ATGT đã trở thành trách nhiệm của từng người, từng nhà và của toàn xã hội. Sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị có chức năng cũng như các tổ chức xã hội từ T.Ư đến địa phương đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thành giảm thiểu những thương vong do TNGT gây ra. Đảng và Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhằm cụ thể hóa mục tiêu giảm thiểu TNGT và xem đây là một trong những nhiệm vụ chính trị cần được ưu tiên thực hiện. Đến nay, mặc dù TNGT đang dần được kiềm chế, nhưng cụm từ “diễn biến phức tạp” vẫn đang được nhắc đi nhắc lại. Và một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên chính là sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của lãnh đạo một số địa phương, đơn vị chức năng trong công tác này. Do đó, việc ban hành những quy định cụ thể nhằm quy trách nhiệm cho lãnh đạo các địa phương để TNGT gia tăng là điều rất cần thiết. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngoài việc quy trách nhiệm cho chính quyền địa phương, cần phải xem xét trách nhiệm của các lực lượng tuần tra trên đường như: Nhiều trường hợp TNGT nghiêm trọng xảy ra do xe không đủ điều kiện kỹ thuật hoặc vi phạm quy định về tốc độ, làn đường... Trong trường hợp đó, trách nhiệm chính phải ở những người làm nhiệm vụ kiểm soát hành vi khi tham gia giao thông của người điều khiển phương tiện.

"Trong quý II, các đơn vị cần khẩn trương trình Quốc hội ban hành Luật Đường sắt (sửa đổi); tổng kết và xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử phạt vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật trong lĩnh vực này." - Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình

" Để giảm thiểu TNGT liên quan đến xe khách, xe tải, xe container..., Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, sở GTVT các địa phương tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là hoạt động vận tải hàng hóa, kiểm tra chặt chẽ phương tiện và người điều khiển về các điều kiện an toàn trước khi khởi hành. Yêu cầu các đơn vị vận tải lựa chọn người điều khiển phương tiện có kinh nghiệm hoạt động theo tuyến, theo địa hình. Tổ chức phổ biến kinh nghiệm điều khiển phương tiện trên đường có mật độ giao thông cao, đường đèo dốc, trời mưa..." Bộ trưởng Bộ GTVT  Trương Quang Nghĩa

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần