Giảm thiểu UTGT tại các đô thị lớn: Không chỉ trông vào ý thức

Trình Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Ủy ban ATGT Quốc gia, trong 2 tháng đầu năm nay, tình hình trật tự ATGT trên địa bàn toàn quốc đã có những chuyển biến tích cực, TNGT giảm trên cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, tại các đô thị lớn, tuyến đường huyết mạch tình trạng UTGT vẫn diễn biến rất phức tạp.
Ùn tắc đang lan rộng
Thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn cả nước, đặc biệt là tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và dọc tuyến QL 1A đã xảy ra 10 vụ UTGT kéo dài. Bên cạnh đó, tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh còn tồn tại hàng chục điểm đen, dễ xảy ra UTGT phức tạp và kéo dài. Trong đó, các điểm tiềm ẩn nguy cơ về UTGT chủ yếu tập trung tại các tuyến đường kết nối với đầu mối giao thông lớn (Sân bay Tân Sơn Nhất), các nút giao chưa có cầu vượt giữa đường trục hướng tâm và các đoạn tuyến vành đai, các đoạn tuyến có các công trình giao thông thi công kéo dài, tổ chức giao thông bất hợp lý.

Người điều khiển xe máy cố tình vi phạm tại cầu vượt Láng Hạ. Ảnh: Công Hùng

Lý giải về những diễn biến phức tạp của tình trạng UTGT, ông Khuất Việt Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, ngoài những bất cập về hạ tầng, ý thức của người tham gia giao thông, thì các hành vi như lấn chiếm hành lang ATGT, vỉa hè, lòng lề đường để kinh doanh, trông giữ phương tiện, đỗ xe trái phép; sự gia tăng nhanh chóng của phương tiện cơ giới đường bộ, đặc biệt là sự tăng nhanh của xe ô tô tải, xe ô tô con cá nhân và các loại xe hợp đồng hoạt động theo mô hình tuyến cố định trái phép trong các đô thị lớn; hạn chế của công tác tổ chức, điều tiết giao thông khi có TNGT và sự cố phương tiện... cũng là nguyên nhân gây ra UTGT cục bộ trong các đô thị.
Ưu tiên các giải pháp cấp bách
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, trong hoàn cảnh hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, phương tiện cá nhân liên tục tăng cao... nếu chỉ trông chờ vào ý thức là chưa đủ. Thế nên, một trong những việc cần được ưu tiên thực hiện là xây dựng và triển khai kế hoạch lập lại trật tự giao thông đô thị, trong đó chú trọng quản lý sử dụng vỉa hè đảm bảo quyền ưu tiên dành cho người đi bộ, tổ chức quản lý hiệu quả phần vỉa hè, lòng đường sử dụng để trông giữ xe, kinh doanh, buôn bán... Đồng thời, tổ chức lại các tuyến xe khách liên tỉnh trong cự ly khoảng 80 - 100km theo mô hình tuyến xe buýt, kết nối hiệu quả với các tuyến xe buýt trong nội thành, nội tỉnh và tổ chức trông giữ xe tại các đầu bến và các trạm đón, trả khách.
Đối với những khu đô thị lớn, để việc giảm thiểu ùn tắc mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng rất cần thiết xây dựng và công bố bản đồ các điểm hay UTGT để tăng cường lực lượng điều tiết, hướng dẫn giao thông. Ngoài ra, các lực lượng chức năng cần nhanh chóng xây dựng và thực hiện đề án hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân; nghiên cứu ban hành quy định giá trông giữ xe theo thời gian trong ngày và theo khu vực. Cùng với đó, các lực lượng chức năng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng phần mềm tích hợp dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô và camera để lập bản đồ giám sát giao thông trực tuyến, hướng dẫn người dân tham gia giao thông thuận tiện, phát hiện xử lý vi phạm của xe ô tô hợp đồng.

Theo thống kê của Ủy ban ATGT Quốc gia, mỗi năm cả nước mất 30.000 tỷ đồng vì UTGT, trong khi đó, chỉ tính riêng địa bàn TP Hồ Chí Minh đã hơn 13.000 tỷ đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần