Giảm thủ tục để giúp hộ kinh doanh trưởng thành

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, bản thân hộ kinh doanh cá thể rất muốn lớn thành DN vì sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế cũng như thương hiệu cho họ.

Tuy nhiên, làm thế nào để đơn giản hóa các thủ tục kế toán để hộ kinh doanh không “sợ” trước ngưỡng cửa chuyển đổi thành DN là câu chuyện cần bàn.
Ngại chế độ kế toán
Theo kế toán Phòng khám 28B Điện Biên Phủ (Hà Nội), hộ kinh doanh này có doanh thu khoảng 500 triệu đồng/ tháng, đăng ký tại Chi cục Thuế Ba Đình. Với các DN sử dụng trên 10 lao động, có mức doanh thu như phòng khám này sẽ phải chuyển đổi lên DN. Tuy nhiên, phòng khám vẫn còn khá nhiều khó khăn và băn khoăn trước việc “lớn” thành DN. “Chúng tôi là cơ sở kinh doanh đơn thuần theo mô hình gia đình. Nếu thành DN, chúng tôi sẽ phải sắp xếp kế toán để làm các thủ tục về sổ sách tài chính, phải đầu tư thêm CNTT để đáp ứng các chuẩn mực kế toán”- đại diện hộ kinh doanh này cho biết.
 Cán bộ Chi cục Thuế quận Ba Đình giải thích các thắc mắc về thuế cho người nộp thuế. Ảnh: Phạm Hùng
“Ngại” chế độ kế toán phức tạp và tốn thêm chi phí là nỗi “sợ” phổ biến của đa số các hộ kinh doanh cá thể trước ngưỡng cửa chuyển đổi thành DN. Theo ông Mai Sơn - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội, nhiều hộ kinh doanh không muốn chuyển sang DN bởi ngại thực hiện các thủ tục kế toán, kê khai thuế hàng tháng; phải chuyển đổi giấy phép kinh doanh có điều kiện như giấy chứng nhận ATVSTP, đủ điều kiện về an toàn trật tự,… “Quan trọng hơn, lên DN đồng nghĩa với việc phải lo sổ sách kế toán, không phù hợp với người kinh doanh không qua trường lớp. Ngoài ra, nhiều hộ kinh doanh muốn “ẩn mình” trong quy mô hộ kinh doanh nhỏ vì không muốn thực hiện các nghĩa vụ như mua bảo hiểm xã hội cho nhân công, hay đơn giản chỉ vì “ngại” thay đổi…”- ông Sơn cho hay.
Còn ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI thì cho rằng, hai vấn đề cần làm để đạt mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 là thúc đẩy khởi nghiệp mới thành lập và chuyển đổi hộ kinh doanh lên DN. Riêng với hộ kinh doanh, ông tính toán, hiện cả nước có tới 1,8 triệu hộ nhưng rào cản để số lượng hộ này lên DN là chế độ kế toán còn phức tạp. Vị đại diện VCCI khẳng định, nếu cơ quan chức năng cải cách được thủ tục, chế độ kế toán thuế đơn giản thì “không có lý gì hộ kinh doanh lại không chuyển đổi lên DN”. Bởi theo ông, yêu cầu chuyển đổi lên DN cũng chính là nhu cầu của các hộ kinh doanh. “Trong bối cảnh hội nhập, thế giới họ "chơi" với DN, không "chơi" với hộ kinh doanh vì hộ kinh doanh vẫn cảm giác không minh bạch” - đại diện VCCI chỉ ra.
Công ty TNHH MTV Hùng Vinh chuyên kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn quận Đống Đa là một ví dụ như vậy. Trước đây, hộ kinh doanh Hùng Vinh có cửa hàng ăn uống diện tích nhỏ với khoảng 20 bàn, 8 - 9 lao động, doanh thu khoảng 900 triệu đồng/năm. Cuối năm 2009, khi Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho DN nhỏ, nhận thấy công việc kinh doanh, khối lượng khách hàng cũng tăng nên năm 2010, hộ kinh doanh cá thể này đã chuyển lên mô hình DN. “Chuyển thành DN có rất nhiều lợi ích. Công việc kinh doanh thuận lợi hơn nhờ có tư cách pháp nhân, có con dấu, đi ký hợp đồng được tin tưởng, từ đó doanh thu cao hơn”- đại diện DN Hùng Vinh nói.
Chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp
Việc có thể có 1 triệu DN vào năm 2020 hay không phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của ngành thuế. Đại diện VCCI bày tỏ mong muốn ngành thuế, một đơn vị đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính thuế tiếp tục dẫn đầu trong việc hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp. “Để việc hỗ trợ đi vào thực tiễn thì sự kết nối và hỗ trợ thông tin là điều vô cùng quan trọng. Trước hết phải mở rộng hoạt động thông tin tuyên truyền đến các cá nhân có ý định mở DNvà các hộ kinh doanh đang trong quá trình chuyển đổi lên DN để họ nhận thức được ý nghĩa, nội dung và các đối tác tham gia chương trình”- ông Lộc lên tiếng.
Hiện, Tổng cục Thuế và các cục thuế địa phương đã và đang triển khai chương trình “Đồng hành cùng DN khởi nghiệp” trên phạm vi toàn quốc để đáp ứng nguyện vọng cũng như nhu cầu cần hỗ trợ của các DN. Để các DN dễ dàng tiếp cận thông tin hỗ trợ từ cơ quan thuế, ông Trí cho hay, ngành thuế đã mở các kênh hỗ trợ riêng cho DN khởi nghiệp bằng cách lập các điểm hỗ trợ trực tiếp, bố trí số điện thoại, địa chỉ email hỗ trợ các DN.
Đặc biệt, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Nguyễn Đại Trí cho hay, cơ quan chức năng đã xây dựng chuyên mục “Đồng hành cùng DN khởi nghiệp” trên website tổng cục thuế và các cục thuế địa phương. Ngoài việc cung cấp thông tin cần thiết, qua chuyên mục này, các đơn vị có thể gửi các yêu cầu hỗ trợ đến cơ quan thuế để được hướng dẫn, giải đáp. Cơ quan này cũng đã kêu gọi sự vào cuộc, đồng hành của cộng đồng DN cung cấp dịch vụ chữ ký số, phần mềm kế toán, đại lý thuế có chính sách miễn phí hoặc giảm chi phí cho DN khởi nghiệp.
Ông Nguyễn Thanh Hà - Giám đốc kinh doanh toàn quốc Công ty CP MISA cho biết, đơn vị này đã ký kết với tổng cục thuế thực hiện chương trình tặng phần mềm kế toán miễn phí cho DN khởi nghiệp. Theo đó, tất cả DN thành lập mới trong giai đoạn năm 2017 -2018 sẽ được công ty này cung cấp miễn phí phần mềm. Theo ông Hà, nhiều hộ kinh doanh còn tỏ ra e dè việc lên DN vì họ chưa quen với việc quản lý theo kiểu mới, trong đó có yêu cầu về kế toán. “Chúng tôi có đội ngũ sẵn sàng ngồi tại các cơ quan thuế các nơi để giúp DN nhận phần mềm dễ dàng nhất, đồng thời có tổng đài để giúp DN sử dụng phần mềm” - đại diện MISA nói.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần