Giảm thủ tục, tiết kiệm chi phí tại trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những vấn đề bức thiết theo tôi cần phải cải cách là vấn đề giải quyết thủ tục thực hiện Nghị định 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 10 năm 2009. Đây là một vấn đề mà bộ phận làm công tác Quản lý Giáo dục đang gặp không những khó khăn. Sau đây là một số bất cập của thủ tục mà theo tôi cần phải cải cách:

Thực hiện Nghị định 94/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 26 tháng 10 năm 2009 quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống ma túy. Trong Nghị định 94/2009/NĐ-CP, tại Chương II - Quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú Chương III - Quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm có những điều sau:

- Điều 6: Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma túy tại nơi cư trú. 

- Điều 18: Lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện tại Trung tâm tại Khoản 2 Điểm a có quy định: Hồ sơ của đối tượng cai nghiện bắt buộc tại Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động xã hội (bản sao).

1. Khi thực hiện Điểm a Khoản 2 Điều 6 và Điều 18 của Nghị định 94 đã xuất hiện sự bất hợp lý và tốn kém. Đó là: Hồ sơ gốc của đối tượng bắt buộc đã lưu ở Quận nơi ra quyết định. Khi xét duyệt học viên sau cai Trung tâm phải photocopy thêm 01 bộ hồ sơ gửi đi như vậy rất lãng phí về thời gian và kinh tế. Trong thực tế trung bình photo một bộ hồ sơ của học viên mất khoảng 25.000 đồng, gửi hồ sơ qua đường bưu điện mất khoảng  20.000 đồng.

2. Trong Nghị định 94/2009/NĐ-CP, tại Chương 2 - Quản lý sau cai nghiện ma túy - Điều 8, Khoản 1 có quy định: “ Sau khi có quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp Huyện, Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội nơi quản lý người cai nghiện có trách nhiệm bàn giao người và hồ sơ cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú. Khi nhận bàn giao, Ủy ban nhân dân cấp xã phải kiểm tra hồ sơ và lập biên bản bàn giao. Biên bản bàn giao được lập thành ba bản, mỗi bên giữ một bản, một bản gửi cho Ủy ban nhân dân cấp Huyện nơi ra quyết định để phối hợp quản lý ”.

Trong thực tế khi thực hiện khoản 1 - Điều 8 Nghị định này đã xuất hiện sự bất hợp lý và tốn kém về kinh tế không cần thiết. Đó là:

- Người chấp hành hết quyết định bắt buộc khi được bàn giao về nơi cư trú có khi chỉ là 1 người, và địa chỉ bàn giao có thể là ở một xã, một phường ở rất xa, nhưng Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội nơi quản lý người cai nghiện vẫn phải điều 1 ô tô và ít nhất là 1 cán bộ quản lý hồ sơ, 1 cán bộ lái xe để chỉ đưa có 1 học viên về nơi cư trú. Như vậy là đưa 1 học viên về nơi cư trú phải mất 1 chuyến xe và 2 cán bộ. Đây là một sự bất hợp lý.

- Việc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục - Lao động Xã hội nơi quản lý người cai nghiện trực tiếp phải bàn giao người nghiện về nơi cư trú là không cần thiết vì Trung tâm có thể bàn giao người sau cai nghiện tại Trung tâm mà vẫn không ảnh hưởng đến sự an toàn, tính liên tục của việc quản lý người sau cai nghiện đối với gia đình và chính quyền địa phương.

- Việc trực tiếp bàn giao người sau cai về tận nơi cư trú không phải là yếu tố quyết định người nghiện sẽ cai nghiện thành công và từ bỏ được ma túy. Để người sau cai nghiện không tái nghiện phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố chủ quan và khách quan nên việc bố trí bàn giao người sau cai về tận nơi cư trú là không cần thiết và không hiệu quả.

Qua những khó khăn vướng mắc trên tôi xin mạnh dạn đề xuất giải pháp khắc phục sau:

- Khi thực hiện Điểm a Khoản 2 Điều 6 và Điểm a Khoản 2 Điều 18, Khoản 1 Điều 8 của Nghị định 94/2009/NĐ-CP không cần phải photo thêm 01 bộ hồ sơ bắt buộc đầu vào mà chỉ photo những giấy tờ, tài liệu cần thiết trong thời gian học viên cai nghiện tại Trung tâm, gồm có Biên bản họp Hội đồng xét duyệt sau cai và những văn bản giấy tờ chứng minh đối tượng thuộc diện quản lý sau cai nơi cư trú hoặc quản lý sau cai tại Trung tâm.

Tại Khoản 1 Điều 8 Nghị định 94/2009/NĐ-CP: xin đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề như sau:

- Sau khi có quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện, Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội nơi quản lý người cai nghiện sẽ gọi điện hoặc gửi công văn về gia đình người cai nghiện để hẹn ngày bàn giao học viên. Khi bàn giao nhất thiết phải lập biên bản bàn giao (3 bản), và mỗi bên giữ một bản, một bản gửi UBND cấp xã nơi người sau cai nghiện cư trú. 

- Bên cạnh việc liên hệ với thân nhân của học viên hẹn ngày bàn giao thì bộ phận hồ sơ của Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội nơi quản lý người cai nghiện phải có trách nhiệm liên hệ và gửi công văn (có cả biên bản bàn giao) đến UBND cấp xã nơi người sau cai cư trú, thông báo về việc đã bàn giao học viên về gia đình để chính quyền địa phương phối hợp với gia đình và các tổ chức, cơ quan khác phối hợp quản lý người sau cai nghiện chặt chẽ, hiệu quả.

- Đối với những trường hợp học viên tham gia sau cai tại nơi cư trú mà người nhà hoặc người thân không lên đón sau khi đã được thông báo, hoặc học viên không còn ai là thân nhân thì Trung tâm vẫn giải quyết cho học viên về và có phụ cấp đi đường theo quy định hiện hành. Khi giải quyết cho học viên về như vậy thì Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động Xã hội nơi quản lý người cai nghiện vẫn phải có trách nhiệm thông báo đến chính quyền địa phương nơi người đó cư trú.