Giảm tiền kiểm, tăng hậu kiểm

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ GD&ĐT vừa đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 110 điều kiện kinh doanh trong giáo dục chiếm gần 52% trong 2 Nghị định số 73/2012/NĐ-CP quy định về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

TS Lê Trường Tùng – Chủ tịch HĐQT Đại học FPT cho rằng, dù Bộ GD&ĐT đã có kế hoạch cắt giảm, đơn giản hóa gần 52% điều kiện kinh doanh, nhưng thực tế cho thấy, vẫn còn nhiều thủ tục không cần thiết có thể tiếp tục cắt giảm. Đơn cử, nên cắt bỏ thêm điều kiện phải có đầy đủ hồ sơ của giáo viên khi xin cấp phép thành lập bởi tại giai đoạn cấp phép thành lập, nhà đầu tư chưa hoạt động thì không thể có đủ danh sách giáo viên với giấy phép lao động, hợp đồng lao động đã ký. “Theo quy định phải có đầy đủ hồ sơ giáo viên mới có quyết định mở ngành, xác định chỉ tiêu tuyển sinh… mà có những môn 4 năm sau khi tuyển sinh mới dạy đến, nhanh nhất cũng phải sau 8 tháng mới dạy. Nhà trường vẫn phải ký hợp đồng với giảng viên có trả lương, có đóng bảo hiểm xã hội; vẫn chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, dẫn đến rất phung phí nhân lực không dùng đến, thiết bị để lâu lỗi thời, lạc hậu, hỏng hóc… Chưa kể chuẩn bị đủ số lượng giáo viên, cơ sở vật chất mà không tuyển đủ sinh viên thì nhà trường sẽ thiệt hại nặng. Cũng chính vì bất cập đó, nhiều trường tìm cách lách luật” - ông Tùng nói.

Cùng theo ông Tùng, nếu như với DN, khi đã có giấy phép kinh doanh gần như xong mọi vấn đề, thì đầu tư vào giáo dục, muốn đưa nhà trường vào hoạt động phải có “một rừng” thủ tục tiếp theo, thủ tục mở ngành, thủ tục xác định chỉ tiêu tuyển sinh, thủ tục đối tượng tuyển sinh, thủ tục liên quan tới phương thức đào tạo, thậm chí cấp bằng cũng cần thủ tục riêng, khiến DN hết sức vất vả. Từ những bất cập trên, ông Tùng đề xuất cần xây dựng theo hướng giao tự chủ cho các tổ chức giáo dục hoạt động trên cơ sở hành lang pháp lý hợp lý, thay tiền kiểm bằng hậu kiểm, giảm chi phí xã hội, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các nhà đầu tư vào giáo dục.