[Giảm trừ rác thải nhựa, túi nilon để bảo vệ môi trường] Bài 1: Hậu quả từ lối sống “nhanh, tiện”

Nguyễn Văn Công (Văn Phú, Thường Tín, TP Hà Nội)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ước tính, mỗi năm thế giới thải ra đại dương 13 triệu tấn rác thải nhựa, túi nilon phá hủy môi trường sống của nhiều sinh vật, trong đó có cả con người. Bởi vậy, nếu không có biện pháp quyết liệt, trong tương lai không xa, trái đất sẽ chẳng còn chỗ để xả rác, con người phải sống chung với rác mọi lúc, mọi nơi.

 Dịch vụ giao hàng ăn uống khiến cho lượng rác thải nhựa, túi nilon gia tăng mạnh. Ảnh minh họa
Khẩu hiệu “ship tận nơi” đã trở nên khá quen thuộc với giới trẻ, nhất là dân văn phòng, công sở. Chỉ cần thích ăn uống bất cứ thứ gì đều có thể đặt hàng và được mang đến tận nơi với những khay, hộp, thìa nhựa dùng một lần, rất tiện dụng. Sau mỗi lần ăn, chúng ta chẳng biết số rác đó sẽ đi về đâu.

Mặt trái từ công nghệ

Vài năm gần đây, nền kinh tế số phát triển, mọi dịch vụ đều được số hóa bằng ứng dụng trên điện thoại thông minh, trong đó dịch vụ ăn uống có lẽ là phát triển nhất do liên quan trực tiếp đến nhu cầu hàng ngày của con người. Các dịch vụ gọi xe, giao hàng như Grab, Gojek, Be… không chỉ đơn thuần là chở hành khách mà khai thác mạnh mảng giao đồ ăn (Food), mỗi gói hàng được bọc nhiều lớp nilon, xốp để tránh vỡ, xước. Các cửa hàng đồ ăn nhanh cũng chuyển hướng phục vụ khách hàng từ xa, họ tích hợp dịch vụ giao hàng vào trong quảng cáo, người dùng chỉ cần đặt đồ, báo địa chỉ là trong chốc lát đồ ăn sẽ được mang tới.

Sự tiện lợi này hình thành nên thói quen ăn uống, mua hàng bất kỳ mọi lúc mọi nơi, vô hình chung làm cho việc tiêu thụ rác thải nhựa, túi nilon tăng mạnh đột biến. Thực tế tại Thái Lan vào đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 làm người dân phải hạn chế ra đường, từ đó dịch vụ gọi đồ ăn sẵn về nhà, cơ quan, công sở tăng mạnh. Chỉ trong vòng 2 tháng đầu dịch bùng phát, lượng rác thải nhựa ở Thủ đô Băng Cốc của Thái Lan đã tăng gấp 10 lần, nhiều đến nỗi không thể xử lý hết và tràn lan ra biển, gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. Tại Hà Nội, tháng 4/2020, khi thực hiện giãn cách xã hội, dịch vụ giao hàng cũng tăng mạnh, kéo theo một lượng rác thải lớn.

Mặt tích cực của công nghệ rất dễ nhận ra vì nó nhanh, tiện lợi, tác động đến cảm xúc của con người, còn mặt tiêu cực ảnh hưởng xấu đến môi trường cần khá nhiều thời gian, tác động âm ỉ. Vì vậy, việc nhận ra và thừa nhận chính tác hại mà mình gây ra là điều không phải dễ. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam thải gần 2 triệu tấn rác thải nhựa ra đại dương, là một trong 5 nước đứng đầu thế giới về lượng rác thải nhựa thải ra đại dương. Số lượng rác này đến từ những cửa hàng ăn uống, từ các đơn hàng “ship tận nơi”… do tính ích kỷ và sự lười biếng của chúng ta.

Sống tối giản để yêu môi trường

Nền kinh tế phát triển kéo theo nhu cầu đời sống của con người tăng lên, mức thu nhập cao đi liền với đó là chi tiêu nhiều. Ở góc độ cộng đồng, việc tiêu dùng sinh hoạt nhiều kéo theo lượng rác thải ra môi trường tăng, xã hội cần phải bỏ ra một khoản chi phí để xử lý vấn đề rác thải, đặc biệt là rác thải nhựa dùng một lần – thứ mà phải mất hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm mới có thể phân hủy.

Những đặc sản theo mùa, vùng miền hiện nay có ở bất cứ đâu, chỉ cần có cầu. Chưa bàn đến chất lượng thực phẩm hay việc có đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hay không nhưng rõ ràng phía nguồn cung sẽ cần rất nhiều đồ đựng bằng nhựa để giao hàng đến từng ngõ ngách. Thậm chí, những đồ ăn lỏng, nóng như cháo, canh… cũng được bọc đồ nhựa, hộp xốp. Với nhiệt độ cao, các hạt nhựa nhỏ li ti sẽ phân tách và hòa vào đồ ăn, đi vào cơ thể. Theo chuyên gia y tế, đây cũng chính là một trong nguyên nhân gây ra ung thư và một số bệnh đường ruột, dạ dày. Theo các nhà khoa học, một người trưởng thành có thể nuốt khoảng 52.000 hạt vi nhựa/năm.

Ăn uống đồ ngon vật lạ là nhu cầu của con người nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tinh giản bớt nhu cầu này trong cuộc sống mà vẫn đảm bảo được sức khỏe. Thay vì gọi về những loại nước xanh đỏ tím vàng đựng trong hộp nhựa, chúng ta có thể uống nước lọc hoặc ăn hoa quả sẽ tốt hơn nhiều cho sức khỏe. Thay vì gọi về những món ăn “cồng kềnh, lạ mắt” như pizza, thịt nướng, cơm hộp, cá hồi… chúng ta có thể chuẩn bị cơm ở nhà mang đi hoặc kiến nghị tổ chức bếp ăn tại cơ quan. Chỉ những hành động như vậy thôi sẽ không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe, mà còn góp phần bảo vệ môi trường.

Chắc hẳn không ít người từng bức xúc vì những đống rác to đùng trước ngõ, khó chịu vì thùng rác luôn ngập đồ nhựa, thức ăn thừa hay lềnh bềnh túi nilon ở các dòng sông, kênh rạch, ách tắc dòng chảy, mùi hôi thối khó chịu nhưng đã ai từng hỏi trong số rác thải đó có rác thải của mình hay không? Đừng để cho sự phát triển công nghiệp quá nhanh để lại những hậu quả âm ỉ, lâu dài mà chúng ta không thể lường hết.
(còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần