Giảm ùn tắc giao thông bền vững: Đầu tư cả về hạ tầng và ý thức

Lê Hải Yến - Lớp 59B Công nghệ thông tin, Đại học Kinh tế quốc dân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) ở Hà Nội nói riêng và tại các đô thị lớn của cả nước nói chung bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau.

Nhưng nguyên nhân lớn nhất là việc hoạch định chính sách đầu tư cho hạ tầng giao thông còn thiếu đồng bộ và chưa có tầm nhìn xa.
Tập trung nguồn lực cho giao thông công cộng

Tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học và phương tiện cá nhân nhanh chóng đang khiến hạ tầng giao thông của Hà Nội quá tải, dẫn đến UTGT liên tục xảy ra. Nhiều người thắc mắc vì sao Hà Nội chậm phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC), nhất là tàu điện ngầm - nổi để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân? Thực tế, Hà Nội đã từng có tuyến xe điện chạy xuyên tâm TP, từ hồ Hoàn Kiếm đi Hà Đông, Cầu Giấy, Chợ Mơ. Tuy nhiên, cách đây hơn 20 năm, hệ thống này đã dừng hoạt động. Mãi đến những năm 2000, khi UTGT trở nên nghiêm trọng, Chính phủ, rồi TP Hà Nội mới xây dựng quy hoạch, lập dự án phát triển VTHKCC bằng tàu điện ngầm, nổi. Nhanh nhất cũng phải đến năm 2018, Hà Nội mới có tuyến đường sắt nội đô đầu tiên; do đó, xe buýt hiện nay vẫn đóng vai trò chủ lực để giảm UTGT.

Tàu điện đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại nhà ga La Khê chờ vận hành.  Ảnh: Phạm Hùng

Nhà quản lý TP đã định ra chiến lược ưu tiên phát triển giao thông công cộng theo hướng hiện đại, đi trước một bước với các chính sách hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, từ đó giảm phương tiện giao thông cá nhân. Thế nhưng, hệ thống VTHKCC bằng xe buýt dù đã được quan tâm, nhưng chưa đúng tầm, chưa phủ kín, nên hầu hết người dân vẫn chọn xe máy, ô tô cá nhân để di chuyển. Bởi vậy, bên cạnh việc xây dựng VTHKCC bằng tàu điện ngầm - nổi, các cơ quan chức năng nên có chiến lược kết nối với các loại phương tiện VTHKCC khác, tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ, thuận tiện mới mong giảm được phương tiện cá nhân. Đặc biệt, dù phải thắt lưng buộc bụng, vẫn phải từng bước phát triển tàu điện ngầm như nhiều nước trên thế giới đã triển khai. Trước mắt TP cần tìm cách nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt và tăng tốc, phát triển xe buýt đa dạng để ngày càng thu hút người dân từ bỏ xe máy đi lại bằng VTHKCC.

Bên cạnh đó, cũng cần tính đến việc mở rộng diện tích dành cho giao thông tĩnh, xây dựng đường, đường sắt trên cao, di chuyển nhiều cơ quan trường học ra xa trung tâm, phát triển đô thị vệ tinh hiện đại, phát triển mạnh và ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính, làm việc qua mạng; phân làn giao thông ở mọi tuyến, hiện đại hóa quản lý giao thông, nghiêm chỉnh đảm bảo chất lượng cấp bằng lái xe, kiểm định nghiêm túc chất lượng xe định kỳ; kiểm định chất lượng xăng dầu...

Nâng cao ý thức

Thực tế giao thông Hà Nội hiện nay cho thấy, bên cạnh hạ tầng chưa theo kịp tốc độ gia tăng phương tiện, thì ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông cũng là vấn đề nhức nhối. Thế nên, đồng hành với đầu tư xây dựng VTHKCC, việc cần làm còn là đưa giáo dục giao thông vào trường học.

Hà Nội cần có kế hoạch, chương trình dài hạn, đồng bộ để sau 10 - 20 năm tạo ra một thế hệ mới hiểu và tự giác nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định về luật giao thông. Ví dụ như ở Pháp hiện nay cũng đang thực hiện chương trình “Phòng ngừa tai nạn giao thông”, đảm bảo mỗi học sinh mỗi tháng được học một giờ về ATGT. Song, trong các trường học ở Việt Nam dường như vẫn chưa quan tâm đúng mức đến vấn đề này khi thiếu những chương trình giáo dục về pháp luật giao thông thường kỳ trong nhiều cấp học.

Nhiều người nhận định, ngoài chương trình giảng dạy trong nhà trường, hàng tháng cần có thêm một buổi “thực hành” trên đường cho học sinh về ATGT. Mà việc giáo dục phải được duy trì liên tục để có tác động thực sự mạnh mẽ và thường xuyên vào ý thức của học sinh. Một khi làm tốt công tác giáo dục ý thức tham gia giao thông từ trong nhà trường, sẽ có một thế hệ hiểu và tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành mọi quy định về ATGT.

Nghĩa là, song song với giải bài toán VTHKCC, Hà Nội cũng cần đề ra các giải pháp nâng cao ý thức chấp hành luật giao thông của người dân. Hiện nay, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đã được triển khai, song vẫn chưa quyết liệt và chưa có chiến lược dài hạn. Muốn thực sự có hiệu quả sâu rộng, lâu dài, trước hết cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật giao thông trong mọi trường học, cấp học. Tuyên truyền pháp luật về ATGT phải kết hợp với thực hành, giúp học sinh nâng cao ý thức và có kinh nghiệm tốt để tham gia giao thông. Để sau chừng 10 - 20 năm nữa, Hà Nội sẽ có một không gian giao thông văn hóa và tự giác chấp hành Luật Giao thông như Nhật Bản đã làm được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần