Giãn dân phố cổ Hà Nội: Không quyết liệt khó hoàn thành

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự cố sập nhà tại số 56 Hàng Bông, phường Hàng Gai (Hoàn Kiếm, Hà Nội) hôm 2/7, tuy không gây thiệt hại về người, nhưng là hồi chuông cảnh báo cho việc người dân vẫn muốn bám trụ lại ở những căn nhà đã xuống cấp.

Một lần nữa nhiều người cho rằng, việc triển khai Đề án “Giãn dân phố cổ Hà Nội” nên rốt ráo hơn.
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn
Ông Phạm Tiến Sơn, người dân đang sinh sống trong một căn nhà cũ có tuổi thọ gần 100 năm trên phố Chợ Gạo cho biết, gia đình ông đã sinh sống 3 thế hệ tại đây. Cuộc sống của cả gia đình đều phụ thuộc vào nguồn thu từ việc kinh doanh, buôn bán nhỏ. Dù đã được biết TP có Đề án “Giãn dân phố cổ” nhưng gia đình ông không muốn di dời. “Tôi đã ở phố này mấy chục năm rồi, cuộc sống gắn với buôn bán gần chợ, nếu bây giờ chuyển đi chỗ mới chúng tôi sẽ không biết phải làm gì để kiếm sống” - ông Sơn cho hay.
Cũng sinh sống tại phố cổ Hà Nội hơn 50 năm nay, nhưng bà Phạm Thị Nga (70 tuổi) trú tại một ngõ không tên trên phố Hàng Chiếu lại đang rất muốn di dời khỏi phố cổ. Gia đình bà có 10 người đang sống tại một căn nhà rộng chưa đầy 10m2 với 1 tầng tum và 1 gác xép, phải tận dụng tối đa tất cả diện tích của căn nhà để sử dụng cho sinh hoạt chung.
 Dù có diện tích nhỏ nhưng nhiều hộ gia đình phố cổ vẫn muốn ở lại. Ảnh: Hải Linh
Điều đặc biệt, căn nhà này không có nhà vệ sinh, phải sử dụng nhà tắm và nhà vệ sinh công cộng. “Chúng tôi đang rất muốn di dời bớt ra khu vực khác để sinh sống, trong ngõ nhỏ chật hẹp đi lại sinh hoạt đều khó khăn, nhưng giờ đang chờ chủ trương của TP. Chúng tôi muốn bán chỗ này để đi mua chỗ khác cũng không bán được, mặc dù giá bán thấp hơn thị trường rất nhiều, nhưng không có người mua” - bà Nga chia sẻ.

"Hiện nay, quận Hoàn Kiếm đang xây dựng đề án thiết kế đô thị của 79 tuyến đường trong phố cổ, để tạo sự đồng nhất cho không gian kiến trúc, đồng thời tuyên truyền, vận động để người dân tự nguyện tham gia vào công tác bảo tồn. Đối với những trường hợp phải di dời, UBND quận sẽ cố gắng bố trí tái định cư dựa vào quỹ đất của TP, tạo điều kiện về công ăn việc làm cho người dân trong thời gian đầu làm quen với nơi ở mới." - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long

Thực trạng người muốn đi, người muốn ở tại khu vực phố cổ Hà Nội đang rất phổ biến. Những người nhất quyết muốn “bám trụ” phần lớn đều là nhà ở mặt đường hoặc gần với mặt đường - nơi thuận tiện cho việc kinh doanh, buôn bán và làm dịch vụ. Ngược lại, những căn nhà ở sâu trong ngõ không những không tham gia được kinh doanh mà sinh hoạt hàng ngày cũng khó khăn, do diện tích chật chội, số lượng nhân khẩu lớn.
Đáng quan ngại hơn, việc sinh sống trong những ngôi nhà cũ tại phố cổ Hà Nội đang tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây thiệt hại về tính mạng và tài sản. Sự việc sập nhà mới đây tại 56 phố Hàng Buồm là một minh chứng điển hình. Ngôi nhà bị sập đã có thời gian sử dụng trên dưới 100 năm, kết cấu chịu lực đã xuống cấp, không còn phù hợp với nhu cầu cải tạo để tiếp tục sử dụng.
Theo KTS Nguyễn Văn Thanh - Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, sự việc tại 56 Hàng Bông như một hồi chuông cảnh báo cho tâm lý quyết tâm “bám trụ” lại ở những ngôi nhà đã xuống cấp. “Rất may là sự cố này không gây thiệt hại về tính mạng, nhưng không ai dám chắc rằng những trường hợp khác sẽ được may mắn như thế. Những căn nhà xuống cấp không chỉ gây ảnh hưởng đến chính người sử dụng, mà khi bị sụp đổ còn ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và tài sản của những gia đình lân cận” - ông Thanh nói.
Cần sớm thực hiện di dời
Theo số liệu tổng hợp của UBND quận Hoàn Kiếm, tính đến hết năm 2018, khu phố cổ Hà Nội có gần 1.000 ngôi nhà được xây dựng từ hơn 100 năm trước, đa phần đã rơi vào tình trạng hư hỏng nặng, nhiều hộ dân tự ý cơi nới, sửa chữa. Tại khu vực cũng xuất hiện nhiều nhà lụp xụp với khoảng 500 căn.
Sự cố sập nhà đáng tiếc tại 56 Hàng Bông.  Ảnh: Hải Linh
Năm 2013, TP Hà Nội đã thực hiện xong giai đoạn 1 Đề án Giãn dân phố cổ, với việc di chuyển được hơn 1.000 hộ dân sang sinh sống tại Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên). UBND TP Hà Nội tiếp tục giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu phương án, lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện giai đoạn 2 của đề án, với mục tiêu di dời thêm hơn 5.000 hộ gia đình ra khỏi khu vực phố cổ.
Thời điểm hiện tại, khu phố cổ Hà Nội có khoảng hơn 4.300 biển số nhà. Tuy nhiên mỗi số nhà lại có rất nhiều gia đình sinh sống, bình quân từ 3 - 4 gia đình/số nhà. Cá biệt một số số nhà có hàng chục gia đình cùng sinh sống, mỗi số nhà có diện tích bình quân từ 80 - 90m2, diện tích ở chỉ đạt từ 0,5 - 1,8m2/người. Trong số gần 1.000 căn nhà có tuổi thọ trên dưới 100 năm sử dụng, thì có 63% thuộc diện xuống cấp, 12% thuộc diện nguy hiểm và 5% thuộc diện ô nhiễm.
Cũng theo KTS Nguyễn Văn Thanh, trước thực trạng như trên, vấn đề giãn dân phố cổ đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, TP Hà Nội cần sớm thực hiện di dời những hộ dân số tại những căn nhà đã bị xuống cấp ở mức nguy hiểm và bị ô nhiễm.
Nhưng có một nghịch lý là khi TP Hà Nội đang đau đầu để tìm quỹ đất sạch phục vụ cho Đề án Giãn dân phố cổ, thì thời gian qua, một số dự án tái định cư phục vụ công tác này tuy đã được xây dựng xong nhưng người dân không đến ở. Điển hình là dự án chung cư tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên).
“Vì vậy phải có những chính sách đặc thù để từ đó tuyên truyền cho người dân được biết lợi ích của việc tái định cư. Khi thực hiện di dời, TP không chỉ nên tập trung riêng vào vấn đề cung cấp cho người dân chỗ ở mới, hay cho một ít tiền đền bù - hỗ trợ, mà phải có thêm cơ chế đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm để người dân ổn định mưu sinh. Có như vậy sự đồng thuận của người dân sẽ tăng cao” - KTS Nguyễn Văn Thanh chia sẻ.q

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần