Gian hàng Việt trực tuyến: Kênh tiêu thụ cho sản phẩm “made in Vietnam”

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Do đó, “Gian hàng Việt trực tuyến” đang được xem là giải pháp giúp DN trong nước phục hồi sản xuất và tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại.

Không dễ đưa hàng lên sàn
Tại Hội nghị “Cơ hội cho DN sản xuất Việt triển khai phân phối trên nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) trong bối cảnh mới” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) và Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức, Giám đốc Công ty CP Quốc tế VAG Hoàng Xuân Hải chia sẻ: Sản phẩm khăn Poêmy của DN trước đây đã được phân phối tại hệ thống siêu thị Big C, Aeon... Nhưng do dịch Covid-19, số khách mua sắm trực tiếp giảm, DN đã tính đến giải pháp bán hàng trên các sàn TMĐT. "Khi DN thử bán hàng trên sàn TMĐT thì số lượng đơn hàng tăng cao, tuy nhiên đối với công ty đây là hình thức kinh doanh mới nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc chuyển đổi phương thức kinh doanh" - ông Hải nói.
 Hoạt động mua hàng trực tuyến ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Ảnh: Công Hùng
Không chỉ Công ty VAG gặp khó trong quá trình áp dụng TMĐT vào sản xuất kinh doanh mà nhiều DN cũng trong tình trạng tương tự. Giám đốc Công ty CP Thực phẩm DakMark Đào Duy Tùng cho biết: Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, DN đã tìm cách đưa sản phẩm lên một số sàn TMĐT tiêu thụ. Tuy nhiên việc chuyển đổi này không hề dễ dàng bởi DN thiếu trang thiết bị, đặc biệt nhân lực chưa đủ kiến thức, kỹ năng quản lý, vận hành, ứng dụng TMĐT.

Thực tế, thời gian qua, HPA đã có nhiều hỗ trợ giúp DN tiêu thụ nông sản thông qua sàn TMĐT, tuy nhiên, Phó Giám đốc HPA Nguyễn Thị Mai Anh thừa nhận, sự hiện diện của sản phẩm nông sản, đặc sản vùng miền trên các sàn TMĐT rất hạn chế.
“Mặc dù nhiều sản phẩm Việt đã được đưa vào hệ thống kênh phân phối lớn như Aeon, Lotte, Central Retail hay đưa vào các nhà hàng nổi tiếng ở Pháp nhưng vẫn rất khó để tiêu thụ trên các sàn TMĐT trong nước” - bà Mai Anh nói. Đồng tình với quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sendo Nguyễn Quang Thuận cho biết: Hiện các sàn TMĐT đã bước đầu đưa sản phẩm Việt vào tiêu thụ nhưng rất khó khăn khi triển khai trên diện rộng. Nguyên nhân là do có ít hàng hóa chất lượng, chưa có thương hiệu và giá thành sản phẩm cao hơn hàng ngoại.
“Đa phần DN Việt hiện tại vẫn đang cố gắng bảo vệ kênh phân phối truyền thống, bỏ qua hợp tác toàn diện với sàn TMĐT, nên số lượng và giá thành sản phẩm cung cấp cho các sàn chưa hợp lý ” - ông Thuận nhấn mạnh.
Gian hàng Việt trực tuyến sẽ ngăn ngừa hàng giả, hàng nhái

Nhằm hỗ trợ DN tiêu thụ hàng hóa thông qua các sàn TMĐT, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số (Bộ Công Thương) Đặng Hoàng Hải cho biết: Cục sẽ chủ trì, hợp tác với các sàn TMĐT lớn tại Việt Nam để thiết lập một kênh mua sắm trực tuyến an toàn với tên gọi “Gian hàng trực tuyến”. Đặc biệt, thông qua gian hàng này sẽ giúp DN chuyển đổi số tốt hơn, nhất là các sản phẩm đã có thương hiệu, hàng OCOP... "Bước đầu Cục ký kết với Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, sau này sẽ triển khai Gian hàng Việt trực tuyến cả những sàn TMĐT lớn trên thế giới" - ông Hải thông tin.

Hiện xu hướng mua sắm trực tuyến phát triển rất mạnh mẽ, tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn bị mua phải hàng kém chất lượng, hàng hóa không như cam kết ban đầu trên các sàn TMĐT. Nguyên nhân là do các sàn TMĐT không có chế tài, quy định cụ thể về trách nhiệm của các bên liên quan dẫn đến tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng trà trộn vào để bán cho người tiêu dùng. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến cả những DN sản xuất.

Trước việc một số đối tượng lợi dụng sàn TMĐT tiêu thụ hàng giả, hàng lậu, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin (Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số) Bùi Huy Hoàng khẳng định: Việc mua bán hàng hóa trên “Gian hàng trực tuyến” có sự phối hợp chặt chẽ giữa DN sản xuất với phân phối, qua đó giải quyết được hiện tượng hàng giả, hàng nhái kinh doanh trên sàn TMĐT. “Gian hàng Việt” có sự quản lý chặt chẽ của Bộ Công Thương là "công cụ sắc bén" để DN Việt tin tưởng đưa sản phẩm quảng bá, giới thiệu tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế"- ông Hoàng khẳng định.

Việc đưa vào hoạt động “Gian hàng Việt trực tuyến” với sự tham gia của các cơ quan quản lý, sàn TMĐT, ngân hàng và công ty cung cấp giải pháp quản lý chất lượng… sẽ giúp DN sản xuất có thêm kênh tiêu thụ hàng Việt, phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới hậu Covid-19.

"DN muốn tiếp cận sàn TMĐT nên cùng các sàn trao đổi, thiết lập gian hàng hoàn chỉnh nhất. Khi kinh doanh trên các sàn TMĐT, DN sẽ rút ra được bài học và tìm được giá trị định vị cho thương hiệu của mình trên sàn, thay vì đổ tiền và dồn lực để kéo tương tác vào trang hay sản phẩm của mình vì đó không phải hướng đi lâu dài và bền vững." - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công nghệ Sendo Nguyễn Quang Thuận

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần