Gian nan bài toán giảm tải

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo số liệu điều tra của các quận, huyện, thị xã về số học sinh (HS) trong độ tuổi vào các lớp đầu cấp năm học 2017 - 2018, quy mô giáo dục Hà Nội tiếp tục tăng ở mọi cấp học, khiến việc giải bài toán quá tải trường học thêm cấp thiết.

Sĩ số tăng ở mọi cấp học
Số liệu điều tra cho thấy, năm học 2017 - 2018, toàn TP có 150.000 trẻ trong độ tuổi vào lớp mẫu giáo 5 tuổi (tăng 11.000 trẻ so với năm học trước); 142.000 HS vào lớp 1 (tăng 14.000 HS); 110.000 HS vào lớp 6 (tăng 3.300 HS). Riêng cấp THPT, số HS vào lớp 10 cũng tăng hơn 2.700 HS. Như vậy, so với năm học trước, các nhà trường phải chuẩn bị thêm 31.000 chỗ ngồi cho HS các cấp học. Những quận, huyện có lượng HS tăng nhiều là Hà Đông (2.200 HS), Nam Từ Liêm (1.900 HS), Bắc Từ Liêm (1.700 HS), Đông Anh (1.500 HS), Chương Mỹ (1.400 HS)…
 Học sinh khối lớp 6 trường THCS Cầu Giấy trong ngày khai giảng năm học 2016 - 2017. Ảnh:  Trung Việt
Phó Chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt lo lắng vì so với năm học trước, số HS vào các lớp đầu cấp của quận năm nay tăng hơn 1.700 HS. Ngoài việc tăng dân số cơ học, nguyên nhân mà cả Đống Đa và các quận nội thành gặp phải là trên địa bàn “mọc” thêm nhiều khu nhà ở cao tầng mới. “Với đà phát triển như hiện nay, đây sẽ là thách thức không nhỏ đối với quận trong việc xây dựng, phát triển mạng lưới trường lớp, đáp ứng nhu cầu học tập của con em Nhân dân trên địa bàn” – ông Việt bày tỏ. Ngay như quận Hoàn Kiếm, dù không có thêm các khu đô thị mới, song lượng HS vào các lớp đầu cấp năm nay cũng tăng hơn 200 em so năm trước.

Quận Tây Hồ là một trong những đơn vị đang đứng trước thách thức về sự gia tăng dân số nhanh, khiến quy mô HS năm sau luôn cao hơn năm trước. Ông Lê Hồng Vũ - Trưởng phòng GD&ĐT quận nhận định, trong 3 năm tới, số HS trong độ tuổi vào lớp 1 của quận sẽ tăng bình quân 10% so với hiện nay. Ở một số phường có các chung cư đang xây dựng, khi người dân đến ở thì tỷ lệ này sẽ cao gấp nhiều lần. Đơn cử, quy mô HS vào lớp 1 của phường Xuân La sẽ tăng 70%, phường Quảng An tăng 40%, phường Phú Thượng tăng 30%...

Quá tải học sinh/lớp

Theo quy hoạch mạng lưới trường học do UBND TP Hà Nội phê duyệt, trong giai đoạn 2012 - 2020, TP cần xây mới 635 trường học. Tính đến năm 2015 đã có 763 dự án được triển khai, vượt xa so với chỉ tiêu. Vậy nhưng, quy mô HS phát triển mạnh, mạng lưới trường lớp vẫn chưa kịp đáp ứng nhu cầu, nên tình trạng thiếu chỗ học vẫn thường trực.

Thực tế, khá nhiều quận, huyện quá tải lớp học. Như quận Cầu Giấy, 14 trường mầm non công lập có sĩ số bình quân 60 trẻ/lớp; 11 trường tiểu học có sĩ số bình quân 55 HS/lớp, 10 trường THCS có bình quân 47 HS/lớp. “Theo mức độ phát triển dân số từ nay tới năm 2030 thì quận cần có 60 trường học (công lập), trong khi hiện tại mới có 38 trường. Như vậy, quận phải xây thêm 17 trường học trong giai đoạn từ nay tới năm 2020 và giai đoạn từ năm 2021 - 2030 cần bổ sung 5 trường công lập” - ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy cho biết. Tương tự, tại quận Nam Từ Liêm, cấp THCS có sĩ số bình quân 58 HS/lớp; ở cấp mầm non là 65 trẻ/lớp và cao nhất là tiểu học với 69 HS/lớp. Hiện tại, trên địa bàn quận có 34 trường công lập, so với nhu cầu giai đoạn từ nay tới năm 2020 còn thiếu 17 trường...

Trước những biến động mạnh về quy mô HS, lãnh đạo Sở GD&ĐT cho biết, Sở đã đề xuất UBND TP bổ sung 314 trường học vào quy hoạch giai đoạn từ nay đến năm 2020 và đã được phê duyệt. Tuy nhiên, để hỗ trợ các địa phương khó khăn kịp thời bảo đảm các điều kiện dạy - học, cuối năm 2016, UBND TP đã quyết định sử dụng ngân sách TP đầu tư cho 42 dự án trường học. Theo lộ trình, trong đợt 1 sẽ có 26 dự án trường học tại 13 huyện được bàn giao trong tháng 8/2017 để kịp thời đưa vào sử dụng từ năm học 2017 - 2018, với tổng kinh phí đầu tư gần 600 tỷ đồng. Số trường còn lại sẽ được bàn giao trong đợt 2 vào khoảng giữa năm học 2017 - 2018 và đầu năm học 2018 - 2019. Việc đưa vào sử dụng thêm 26 trường này trong năm học mới sẽ góp phần giảm tải đáng kể cho các địa phương, tạo điều kiện cho các nhà trường tập trung nâng cao chất lượng dạy - học.