Gian nan loại bỏ bếp than tổ ong

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí mà chúng ta vẫn gọi là “sát thủ vô hình” chính là bếp than tổ ong. Tuy nhiên, bên cạnh việc vận động người dân không dùng bếp than tổ ong, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ người dân để họ thay thế bếp thân thiện môi trường.

Dãy bếp than tổ ong tại một cửa hàng ăn trên phố Tô Hiệu (quận Cầu Giấy).
Biết ảnh hưởng... vẫn dùng
Những ngày gần đây, chất lượng không khí của TP Hà Nội luôn ở mức trung bình và kém. UBND TP đã và đang khẩn trương triển khai nhiều giải pháp nhằm quản lý, cải thiện môi trường không khí. Một trong những giải pháp được thực hiện ráo riết là xây dựng kế hoạch đến hết năm 2020 không còn hộ sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn TP.
Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, việc xóa bếp than tổ ong đã có những cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, do một bộ phận người dân chưa thay đổi nhận thức nên vẫn sử dụng bếp than. Chị Nguyễn Thị Nga, chủ một quán ăn sáng tại 55 phố Hàng Cót cho biết:“Tôi buôn bán nhỏ, ngồi nhờ trước cửa nhà người khác nên sử dụng bếp than rất nhỏ gọn, tiện lợi. Cũng biết nó ảnh hưởng đến sức khỏe đến môi trường nhưng nếu thay bằng bếp khác thì tôi không có đủ chi phí”.
Giải pháp nhằm xoá bỏ bếp than tổ ong không chỉ hướng đến người sử dụng mà còn ở người làm ra bếp, than tổ ong. Hiện nay, sản xuất than tổ ong chủ yếu là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, hộ gia đình. Đây cũng là nghề của họ, nếu như cấm thì họ sẽ mất nghề vậy phải có giải pháp cho cả những đối tượng này, có thể định hướng hoặc tạo điều kiện để họ phát triển nghề khác.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm
Khác với chị Nga, chủ cửa hàng kinh doanh hàng ăn tại 244 Thụy Khê (quận Tây Hồ) dù đủ điều kiện để thay thế bếp than tổ ong nhưng bà vẫn dùng để tiết kiệm chi phí. Đi dọc tuyến phố Gầm Cầu (quận Hoàn Kiếm) chỉ dài vài chục mét, song hầu như cửa hàng bán đồ ăn nào cũng sử dụng bếp than, có cửa hàng xếp thành hàng 4 - 5 bếp. Tại các khu chung cư, khu tái định trên phố Hoàng Đạo Thúy, khu Trung Hòa - Nhân Chính..., hình ảnh người dân và hộ kinh doanh sử dụng bếp than để đun nấu vẫn khá phổ biến. Không những vậy, nhiều hộ gia đình đun nấu bếp than ngay trước cửa nhà, thậm chí người lớn cũng để trẻ nhỏ ngồi ngay cạnh bếp than để nghịch mà không lường trước nguy hại đến sức khỏe. Người già, trẻ em khi hít phải mùi than tổ ong rất dễ bị các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Hơn nữa, khói than còn gây ảnh hưởng đến môi trường, ô nhiễm không khí.
Chia sẻ về vấn đề này, Bà Trần Thị Tuyết Lan - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, cho biết: “Mặc dù phường đã tuyên truyền vận động các hộ dân, hộ kinh doanh không dùng bếp than tổ ong, tuy nhiên vẫn còn một số hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ vì có thu nhập thấp và muốn tiết kiệm nên vẫn sử dụng. Thời gian tới, phường sẽ tiếp tục vận động người dân để có thể xóa bỏ hoàn toàn bếp than trên địa bàn".
Cần thêm chính sách hỗ trợ
Thời gian qua, Sở TN&MT Hà Nội đã phối hợp cùng với các đơn vị có liên quan, tiếp tục triển khai mô hình thí điểm thay thế bếp than tổ ong bằng các bếp cải tiến, thân thiện với môi trường tại một số phường trên địa bàn TP. Người dân được mượn bếp dùng thử để trải nghiệm bếp trước khi mua, đồng thời được hưởng mức giá ưu đãi (thấp hơn giá thị trường từ 30 – 40%). Tuy nhiên, kết quả triển khai mô hình thí điểm này chưa được nhân rộng nên hiệu quả chưa cao.
Theo đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi ngày người dân đốt tới 528 tấn than tổ ong, phát thải 1.870 tấn khí CO2 vào không khí. Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, muốn xóa bỏ thì Nhà nước cần có chính sách hợp lý hơn nữa. Trong đó cần phải có quy hoạch cụ thể những khu vực nào, gia đình nào còn sử dụng bếp than tổ ong. Sau đó, vận động các hộ dân không sử dụng nữa, đồng thời phải có các chính sách hỗ trợ người dân như giảm giá tiền điện, sử dụng bếp từ…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần