Gian nan thu nợ thuế

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nợ thuế là một thực trạng phổ biến hiện nay với nhiều nguyên nhân, mức độ và tính chất khác nhau. Câu chuyện thu hồi nợ thuế vẫn là bài toán gian nan.

Theo thống kê của Tổng cục Thuế, tính đến 31/1/2018, cơ quan Thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được 3.943 tỷ đồng tiền thuế nợ tại thời điểm 31/12/2017 chuyển sang năm 2018. Con số này đạt tỷ lệ 8,9% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2017. Tổng số tiền thuế nợ của 63 Cục Thuế tính đến thời điểm 31/1/2018 là hơn 75,8 nghìn tỷ đồng.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Dù ngành Thuế đã nỗ lực thu hồi nợ thuế, chống thất thu cho ngân sách Nhà nước (NSNN), nhưng vẫn còn nhiều DN nợ chây ì từ năm này qua năm khác. Sự khó khăn của cộng đồng DN những năm gần đây là có thật. Nhiều DN gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nên không có năng lực về tài chính để thực hiện nghĩa vụ nộp thuế. Cùng với đó, còn tình trạng các DN chiếm dụng vốn lẫn nhau, chậm được thanh toán dẫn đến nợ thuế. Tuy nhiên, trên thực tế không phải tất cả DN nợ thuế đều khó khăn về tài chính. Ngược lại, có những DN có dòng tiền, có doanh thu tốt nhưng vẫn chây ì do dành tiền cho những mục đích khác. Bên cạnh đó, ý thức tuân thủ pháp luật về thuế của một số DN chưa cao, còn dây dưa chưa nộp thuế đúng hạn vào NSNN theo quy định.

Một trong những khó khăn của công tác thu nợ là chế tài xử phạt với đơn vị cố tình vi phạm còn chưa đủ mạnh, chưa mang tính răn đe, Luật Quản lý thuế không quy định chế tài xử lý hình sự đối với người nộp thuế nợ tiền thuế, tiền chậm nộp. Quy định về chế tài cưỡng chế cũng có nhiều bất cập. Theo quy định hiện hành, sau khi cưỡng chế tài khoản 30 ngày nếu người nợ thuế không nộp nợ thuế thì tiếp tục biện pháp cưỡng chế bằng hợp đồng với thời hiệu 12 tháng. Sau đó mới đến các bước tiếp theo là cưỡng chế bằng biện pháp kê khai tài khoản, bán đấu giá tài khoản kê biên; thu tiền tài sản của đối tượng bị cưỡng chế do tổ chức, cá nhân khác nắm giữ... Các bước cưỡng chế tiếp theo khá khó khăn và phức tạp, do sự phối hợp các ban ngành khác như Kho bạc, Ngân hàng, Công an, Tòa án… vẫn còn nhiều bất cập.

Để đẩy mạnh công tác quản lý nợ thuế, mới đây, Tổng cục Thuế đã thông báo danh sách các DN nợ thuế chỉ từ 5 triệu đồng trở lên trên địa bàn quản lý tại thời điểm 31/12/2017. Từ đó, Tổng cục Thuế yêu cầu các cục thuế phân công, giao nhiệm vụ chịu trách nhiệm đôn đốc, cưỡng chế và công khai thông tin nợ thuế để thu hồi nợ đọng thuế vào NSNN cụ thể cho từng đơn vị, đến từng cán bộ lãnh đạo và công chức chịu trách nhiệm thực hiện đối với từng DN. Năm 2018, Tổng cục Thuế kỳ vọng sẽ giảm số nợ thuế xuống mức 5% tổng thu NSNN.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần