Gian nan tìm thiên chức… làm mẹ

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các cụ xưa có câu “Con cái là lộc trời cho”, thế nhưng có những cặp vợ chồng mòn mỏi đợi chờ hàng chục năm ròng để được hưởng cái “lộc trời” ấy mà mãi chưa chạm được.

Họ - có người buông xuôi chấp nhận, có người lại quyết tâm bước trên hành trình đi tìm kiếm tiếng gọi “mẹ” nhờ vào y học. Hành trình ấy không chỉ đòi hỏi sức khỏe, kinh tế mà phải kiên trì, mạnh mẽ.

Thèm khát tiếng gọi “mẹ”

“Cuối cùng em cũng được ôm con vào lòng rồi các mẹ ạ! Trộm vía bé con con nhưng cứng cáp lắm, đạp rồi rướn người liên tục trong tay em. Cái mùi trẻ con đúng là thích thật, em cứ hít hà mãi không thôi, cảm giác hạnh phúc không gì tả được. Ấy thế mà… lão chồng em lại quay sang đạp vào người làm em giật mình. Hóa ra chỉ là… một giấc mơ”. Đó là những lời tâm sự của một người phụ nữ đang thèm khát được làm mẹ mà tôi đọc được trên một diễn đàn mạng xã hội. Chị ấy đã kết hôn 7 năm nhưng chưa một lần mang thai. Hóa ra, ở cái thế giới ảo ấy, có cả một nhóm với hơn 31.000 thành viên đều là những người đang mong muốn có được một mụn con. Thế giới ấy ảo, nhưng những lời tâm sự, những lời chia sẻ, động viên và cả những kinh nghiệm chạy chữa vô sinh hiếm muộn (VSHM) được các thành viên truyền đạt lại cho nhau lại hoàn toàn thật.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hiền vui mừng khi các cặp vợ chồng hiếm muộn ''đón'' được con yêu. Ảnh: Phương Lê

Lân la tìm cách kết bạn và tâm sự với những thành viên trong diễn đàn, tôi mới thực sự thấm thía được nỗi đau mà các chị đang phải chịu. Chị Lê Quỳnh H. (Thái Bình) – một thành viên tích cực trong các bài viết chia sẻ kinh nghiệm chữa tắc vòi trứng kể với tôi, chị bị vô sinh do tắc hai vòi trứng, đã chạy chữa 3 năm nay đủ đông tây y kết hợp, rồi cúng bái tốn đến vài chục triệu mà không khỏi. “Nhìn bạn bè con bồng con bế mà thèm lắm em ạ. Đúng là có mong có ngóng thì ngủ mơ cũng mơ được làm mẹ. Bệnh tại mình, chồng chị động viên nhiều nhưng lúc nào chị cũng sẵn sàng tâm lý để… chồng đi lấy vợ khác còn kiếm đứa con”. Cùng tâm trạng với chị H., một thành viên trong nhóm với biệt danh Thuy Tr. tâm sự, lấy chồng 3 năm rồi mà chưa bao giờ chị được nhìn thấy “2 vạch”. Mong quá thành ra xấu tính, thấy bạn bè khoe có bầu là mình chỉ thấy buồn chứ chẳng thấy mừng cho người ta, về nhà lại ôm gối khóc. Tháng trước chị Tr. “chậm” 2 ngày mà mừng như “bắt được vàng”. Thử 1 que không lên, chị thử 2 que, 3 que… rồi bóc đến que thứ 5 vẫn chỉ 1 vạch.

Gian nan…

Lần theo chia sẻ của các thành viên trong diễn đàn, tôi tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội – nơi có hàng trăm cặp vợ chồng VSHM đang điều trị. Không tấp nập, nhốn nháo như các bệnh viện khác, ở đây, các cặp vợ chồng đến khám lặng lẽ chờ đợi đến lượt. Ở hàng ghế chờ, có đôi trầm ngâm suy nghĩ, có đôi nắm chặt tay nhau như đang tự nhủ sẽ cùng cố gắng, có cặp vợ chồng lại ngồi thừ người ra, mắt đỏ hoe, cố mỉm cười với nhau mà nước mắt lặn vào trong. Lắng nghe câu chuyện của họ, quanh đi quẩn lại chỉ là những câu hỏi “cưới được bao lâu rồi?”, “mong con lâu chưa?”, “đã đi khám ở đâu chưa?”... Mỗi người mỗi cảnh, người thì đã cưới 3 năm, 5 năm, 7 năm mà chưa một lần mang thai. Người thì có rồi lại sảy không rõ nguyên nhân, người thì đã có một đứa con nhưng khi muốn có đứa thứ hai thì cố mãi không được.

Cách đây hai tháng, chị Nguyễn Thị T. (Triệu Sơn, Thanh Hóa) quyết định đến viện làm thụ tinh ống nghiệm (TTON) do bị buồng trứng đa nang. Nhớ lại những lần tiêm thuốc kích trứng, bị quá kích thuốc đến nỗi bụng trướng to như đang mang bầu, người mệt mỏi, đau nhức… đến giờ chị vẫn thấy sợ. “Như thế đã là gì, cái cảm giác chờ đợi kết quả chọc trứng, kết quả thụ phôi rồi đếm từng ngày sau chuyển phôi để được thử thai mới thấy rằng được làm mẹ là điều quý giá như nào” - chị T. giãi bày. Chị vẫn nhớ, cái ngày nhận kết quả xét nghiệm máu xác định chắc chắn phôi đã đậu và đang phát triển, chị và chồng đã ôm nhau khóc. Khóc vì mừng, khóc vì bao nhiêu nỗ lực cố gắng của hai vợ chồng chị suốt 4 năm trời đã được đền đáp, khóc vì những nỗi tủi hờn, những lời dèm pha của nhà chồng mà chị phải chịu đựng giờ đã được cởi bỏ. Hôm nay, chị đến viện siêu âm theo dõi thai – một cách để chị có thể nhìn thấy hài nhi đang lớn lên trong bụng mình.

Các bác sĩ Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội thực hiện kỹ thuật chọc trứng cho bệnh nhân. Ảnh: Phương Lê

Vậy nhưng, có phải ai cũng một lần làm TTON là tìm được hạnh phúc ngay như chị. Nghe chị kể, cùng ngày đặt phôi với chị, có chị đặt phôi lần thứ 3. Hai lần trước, con yêu chỉ ở bên chị ấy đến tuần thứ 8 là rời đi mà chẳng rõ nguyên nhân. Nỗi đau này lớn lắm, xót xa lắm vậy mà chị ấy vẫn gượng dậy, gạt nước mắt để tiếp tục hành trình tìm con. Chẳng là trước khi lấy chồng, chị ấy cũng đã từng có thai một lần nhưng đi bỏ nên giờ lại càng thấy ân hận, tội lỗi, cũng may đến giờ này chị ấy đã được mang trong người một mầm sống. Nhưng khổ nỗi, thai luôn dọa sảy nên cả hai vợ chồng phải bỏ việc để nằm theo dõi tại viện đến tận lúc sinh, tốn đến gần hai trăm triệu đồng. “Những người như bọn chị không ai dám nói trước điều gì, bao giờ phải qua 9 tháng 10 ngày, nhìn thấy mặt con mới yên tâm được em ạ”, chị tâm sự.

Hạnh phúc mỉm cười

Hơn một tuần qua, các diễn đàn VSHM lại bàn tán rôm rả về các kỹ thuật điều trị VSHM mới mà Việt Nam đã thực hiện thành công. Nghe tin ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư có kỹ thuật mới về mổ nội soi thông tắc vòi trứng đoạn kẽ mà sau khi mổ bệnh nhân có cơ hội có thai tự nhiên, nhiều chị trong nhóm cảm thấy như được hồi sinh. Chị H. khi đọc được tin này đã lập tức gọi cho tôi, vừa mừng vừa khóc, chị bảo: “Trường hợp của chị cũng bị tắc kẽ đấy, biết tin này cả chị và chồng mừng lắm, nhất định tháng này chị sẽ đến viện để đăng ký mổ, chị sắp được làm mẹ rồi!”. Cùng thời gian này, sự kiện em bé ra đời từ trứng đông lạnh lại mở thêm cơ hội làm mẹ cho những chị không may bị ung thư chuẩn bị được điều trị hóa trị, xạ trị. Thế là hành trình đi tìm thiên chức làm mẹ của những người như chị H. và nhiều phụ nữ nữa đã được rút ngắn và cơ hội đã được mở ra.

Vậy nhưng, hơn 12 năm làm về VSHM, đích thân mình thực hiện TTON cho các cặp vợ chồng với hơn 1.000 đứa trẻ đã ra đời, bác sĩ Lê Thị Thu Hiền – Phó Giám đốc Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội nói với tôi rằng, chữa VSHM gian nan, vất vả và tốn kém, đòi hỏi cả vợ và chồng đều phải quyết tâm theo phác đồ của bác sĩ đến cùng, chỉ cần một người nản là rất khó thành công. Trong quá trình điều trị, bác sĩ Hiền luôn nhắc nhở bệnh nhân phải giữ tâm lý ổn định vì điều này ảnh hưởng đến chất lượng trứng và tinh trùng. Chị Hiền nhớ lại, chị đã từng điều trị cho một cặp vợ chồng hiếm muộn 20 năm. Không ít lần người vợ đã bị bố mẹ chồng dắt tay đuổi ra ngoài, thẳng thắn yêu cầu người vợ phải ly hôn, buông tha cho con trai họ. Vậy nhưng, hai vợ chồng họ vẫn kề vai, sát cánh, sau 20 năm họ đã có “quả ngọt”. Hay như trường hợp một bệnh nhân ở Bắc Ninh, trước mỗi chu kỳ chọc trứng, người vợ luôn lo lắng nếu không thành công sẽ bị nhà chồng dèm pha, chính điều này khiến cho chất lượng trứng không đảm bảo. Bản thân chị Hiền đã dành nhiều thời gian để tâm sự chia sẻ, động viên người vợ, khi hiểu vấn đề, kết quả TTON đã thành công. Đến giờ, chị ấy đã mẹ của hai đứa trẻ sinh đôi.

Đó là những người phụ nữ may mắn. Tôi biết, có rất nhiều phụ nữ do bệnh tật, do tiêm thuốc kích trứng nhiều dẫn đến xơ hóa buồng trứng nên không thể có con. Nhưng tôi vẫn luôn tin rằng, người phụ nữ nào cũng có quyền được làm mẹ, phải chăng những phụ nữ mắc VSHM chỉ là ông trời đang thử thách họ nhiều hơn những phụ nữ khác. Y học ngày càng phát triển, họ sẽ sớm tìm lại được thiên chức của mình nếu có sự quyết tâm, kiên trì và hơn hết họ cần có người thấu hiểu, đồng hành cùng mình trên hành trình ấy.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần