Giao dịch bất động sản sẽ tăng nhẹ trong quý II

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hội thảo "Tiêu điểm bất động sản quý I, xu hướng và cơ hội đầu tư quý II/2019" vừa được tổ chức, Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng Nguyễn Mạnh Khởi cho biết, trong quý I/2019, thị trường bất động sản chứng kiến sự trầm lắng của hầu hết các phân khúc, do thói quen của người Việt là dành thời gian cho các hoạt động của Tết Nguyên đán.

Trong quý I/2019, đất nền được coi là phân khúc sôi động nhất trong số các sản phẩm của thị trường bất động sản. Nhưng thực tế, số lượng giao dịch không nhiều như tin đồn. Tại những địa điểm gần với các khu du lịch biển như Quảng Ninh, Đà Nẵng và một vài nơi khác "sốt nóng" nhưng số liệu giao dịch thấp.
Cụ thể, tại Đà Nẵng thống kê được chỉ có 100 giao dịch, Vân Đồn là 165 giao dịch. Phần lớn, việc rao giá bán hàng chủ yếu đến từ nhà đầu tư và nhà đầu tư thứ cấp, còn khách hàng hiện nay cũng đang chững lại để xem xét, thăm dò tình hình.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, hiện nay, phân khúc đất nền tại Hà Nội là một trong những địa bàn nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và người dân. “Ở những khu vực sắp được nâng cấp huyện thành cấp hành chính quận như Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức... đặc biệt được người dân quan tâm” - ông Khởi nói.
 Thị trường bất động sản quý I trầm lắng.
Theo đánh giá chung, trong quý I/2019 thị trường bất động sản trầm lắng hơn rất nhiều so với quý IV/2018. Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam Nguyễn Văn Đính cho biết, trong 3 tháng đầu năm, thị trường bất động sản tại nhiều địa phương có số giao dịch sụt giảm. Cụ thể, tại Hà Nội, chỉ có 5.206 sản phẩm mới được chào bán ra thị trường và giao dịch thành công chỉ đạt 3.200 giao dịch, sức hấp thụ có thể nói thấp hơn rất nhiều so với 3 tháng cuối năm 2018.
Đáng nói, tại TP Hồ Chí Minh, con số thấp chưa bao giờ có là 3.274 sản phẩm được chào bán và sức hấp thu đạt gần 3.000 sản phẩm giao dịch thành công. Hiện nay, lượng hàng đủ điều kiện để bán tại TP Hồ Chí Minh chỉ hơn 1.000 sản phẩm và tại Hà Nội là 3.000 sản phẩm được cấp giấy đủ điều kiện giao dịch trên thị trường bất động sản.
Lý giải về nguyên nhân trầm lắng của hai thị trường lớn này, ông Nguyễn Mạnh Khởi cho rằng, một phần là do các cơ quan quản lý đang tiến hành rà soát các dự án bất động sản đủ điều kiện giao dịch. Hầu hết các dự án mới tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều đang trong trạng thái chờ các cơ quan quản lý phê duyệt hồ sơ.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia nhìn nhận, với tình hình kinh tế ổn định như hiện nay, thị trường bất động sản sẽ sôi động hơn. Trong đó, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng được đánh giá cao về tiềm năng và cơ hội trong trung và dài hạn, với dư địa phát triển lớn.
Ngoài ra, một xu hướng mới đang hình thành, đó là các DN bất động sản công bố kế hoạch “tấn công” các thị trường ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đây được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng lớn khi có sự tham gia của các chủ đầu tư bài bản.
Các chuyên gia cũng cho rằng, mặc dù trong quý I vừa qua, thị trường ghi nhận tương đối trầm lắng, các chính sách tín dụng được siết chặt, nhưng hoạt động kinh doanh bất động sản vẫn đạt tốc độ tăng trưởng khá, ở mức 4,75% so với cùng kỳ năm trước. Bất động sản vẫn đứng thứ 2 về thu hút đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam trong quý I/2019. Trên đà ổn định của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản cũng sẽ có những bước phát triển thuận lợi trong thời gian tới.

Dự báo về khả năng tăng trưởng của thị trường bất động sản trong quý II/2019, 64% ý kiến tại hội thảo lựa chọn khả năng tăng nhẹ và 15% ý kiến chọn khả năng tăng cao nhất trong năm.