Giao dịch với ngân hàng: Cẩn tắc vô áy náy

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ việc ồn ào tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) mới đây tiếp tục chứng minh một điều mà khách hàng nhất thiết phải lưu ý: Cẩn trọng và có trách nhiệm với chính đồng tiền của mình.

Về phía các ngân hàng, xây dựng và ban hành quy chế giám sát nội bộ là không thừa.
“Chết” vì được... ưu tiên
Chuyện khách VIP gửi tiền được phục vụ tận nhà hay nơi nào đó theo yêu cầu không hiếm. Theo đó, khi khách hàng quen thông báo có tiền gửi, nhiều ngân hàng sẽ lập sẵn sổ tiết kiệm, các phiếu gửi tiền, bảng kê tiền… rồi mang đến tận nơi cho khách hàng ký, nhận tiền và trao sổ cho khách hàng. Nếu mọi chuyện xuôi chèo mát mái không có gì đáng nói, nhưng nếu vì lý do nào đó, như nhân viên ngân hàng tham lam cấu kết với nhau làm giả giấy tờ, rất có thể khách hàng sẽ lãnh đủ hậu quả với phương thức giao dịch này.
Tất nhiên, bằng mắt thường, khách hàng khó có thể nhận biết liệu các giấy tờ mà nhân viên ngân hàng mang đến cho họ ký có phải là giấy tờ thực hay không. Đã có nhiều trường hợp, khi có sự cố xảy ra, ngân hàng đưa sổ tiết kiệm mà khách hàng lưu giữ đi giám định thì phát hiện đó là giấy tờ giả.
 Khách hàng giao dịch tại chi nhánh VPBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Về lý, theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật Basico, trường hợp nhân viên ngân hàng làm sai, khi khách hàng có giấy tờ đầy đủ chứng minh cuốn sổ tiết kiệm, chữ ký, con dấu là đúng, ngân hàng vẫn phải chịu trách nhiệm và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, thực tế cũng đã nảy sinh không ít trường hợp ngân hàng đổ lỗi cho cá nhân làm sai quy trình của ngân hàng để “trốn” trách nhiệm.
Giám đốc một phòng giao dịch ngân hàng trên phố Phan Đình Phùng cho biết, trường hợp nhân viên ngân hàng lập sẵn sổ tiết kiệm khi chưa nhận tiền của khách hàng, mang giấy tờ đến nhà khách hàng ký tên và giao sổ tiết kiệm đã có sẵn con dấu, chữ ký là sai so với quy trình hiện nay của ngân hàng. Nhưng do cạnh tranh, chạy đua chiều khách VIP, chuyện này đã trở thành phổ biến trong giới ngân hàng.
Vị giám đốc này kể, trước đây, nhân viên một ngân hàng có phòng giao dịch trên phố Phan Đình Phùng đã lợi dụng vị trí tại ngân hàng làm giả giấy tờ và chiếm đoạt vài tỷ đồng của khách hàng. Sau rất nhiều kiện cáo, ngân hàng đã chấp nhận chịu thiệt hại, đền bù cho khách hàng để giữ uy tín, rồi đóng cửa bảo nhau, xử lý các nhân viên tham lam kia sau, dù vài người trong số đó đã xin nghỉ việc.
Đó là cách hành xử đúng và hợp thông lệ quốc tế, nhưng ở Việt Nam, mọi chuyện không dễ như vậy. Khi nhắc đến câu chuyện này, không ít người nhớ lại vụ scandal gắn với siêu lừa Huỳnh Thị Huyền Như. Lợi dụng vị trí, chức quyền của mình, Huyền Như đã lừa các ngân hàng khác. Nơi cô ta làm việc đã chối phắt trách nhiệm, khiến không ít ngân hàng đang ngậm ngùi chịu rủi ro.
Không buông lỏng kiểm soát nội bộ
Ngân hàng nào cũng có quy trình giao dịch với khách hàng, nhưng liệu nhân viên ngân hàng có thực hiện đúng quy trình, có tuân thủ mọi quy định của ngân hàng không? Câu trả lời là còn tùy thuộc vào tình hình. Mà những giao dịch “ngoài luồng” này thì một hai cá nhân khó có thể thực hiện được, đôi khi phải có sự đồng thuận hoặc lơi là của chính các lãnh đạo phòng giao dịch, chi nhánh ngân hàng…
Các ngân hàng cũng rất hiếm có bộ phận kiểm soát chéo, thanh, kiểm tra nội bộ thường xuyên để tuýt còi các hành vi sai trái. Áp lực doanh số và thu hút khách hàng đang khiến nhiều ngân hàng có quy trình, quy chế nhưng cho phép nhân viên “vượt rào” như cơm bữa. Trong trường hợp này, lỗi thuộc về ngân hàng và ngân hàng phải chịu trách nhiệm với sai phạm của nhân viên gây ra trong thời gian họ làm việc tại ngân hàng. Nhưng thực tế không như vậy, và khách hàng thường phải chịu ấm ức, thiệt thòi.
Phân tích như trên để thấy, khi có các giao dịch giá trị lớn, một mặt khách hàng cần cẩn trọng xem xét các quy trình của ngân hàng (trong trường hợp có thể), mặt khác cần hết sức có trách nhiệm với tài sản của mình bằng cách giao dịch theo các quy trình đã được ngân hàng đề ra. Ít nhất giao dịch tại quầy ngân hàng thường có camera giám sát. Đồng thời, khách hàng cũng cần lưu lại các giấy tờ quan trọng, thường xuyên kiểm tra với ngân hàng và nếu có gì nghi ngờ, cần ngay lập tức liên hệ với ngân hàng để cùng phối hợp làm rõ.
Các chuyên gia khuyến nghị khách hàng lưu ý lựa chọn những ngân hàng có uy tín thương hiệu và ứng dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để có thể kiểm tra chéo các giao dịch của mình. Chẳng hạn, ngân hàng có hệ thống tin nhắn tự động thông báo các giao dịch nảy sinh trong ngày tới khách hàng.