Giáo dục nên hướng tới dạy nhân cách học sinh

Trung Anh (ghi)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chia sẻ quan điểm về đổi mới giáo dục, TS Nguyễn Văn Hòa – Chủ tịch HĐQT trường phổ thông liên cấp Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) ủng hộ việc giáo dục nên hướng tới dạy nhân cách học sinh (HS).

“Để hình thành nhân cách, phát triển năng lực ở mỗi HS, trước hết các nhà trường cần kiên trì với mục tiêu giáo dục HS làm người, không chạy theo thành tích, điểm số. Điều đó thể hiện trong việc thực hiện chương trình giáo dục, trong ý thức và hoạt động giáo dục, hoạt động dạy học của mỗi cán bộ, giáo viên trong trường học. Đối với trường THCS và THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, mọi hoạt động giáo dục, dạy học đều được thiết kế, tổ chức theo hướng phát huy tính tích cực chủ động học tập, khám phá, sáng tạo của HS, làm cho HS mạnh dạn, tự tin. Bên cạnh đó là sự chăm lo đến từng HS, giúp cho mỗi em tiến bộ. Sự tiến bộ của mỗi học trò chứ không phải điểm số, thành tích là thước đo chất lượng của một nhà trường, thước đo nghề nghiệp, hiệu quả giáo dục của mỗi thầy cô giáo. Không chạy theo thành tích nhưng mỗi trò đều phải có kết quả và phải đạt được kết quả trong rèn luyện và học tập tương xứng.
 Ảnh minh họa
Ngoài ra, các hoạt động giáo dục và phục vụ trong trường cần được hiểu là dịch vụ giáo dục, vì con người và hướng tới sự hoàn hảo để góp phần hình thành nhân cách, phát triển năng lực người học... Để đạt được mục tiêu giáo dục và chiến lược phát triển đó, nhà trường cần tìm tòi, định hướng phương pháp giáo dục tiên tiến, phù hợp. Các hoạt động giáo dục được tổ chức thường xuyên, lấy việc dạy HS làm người, khuyến khích HS mạnh dạn hơn, tự tin hơn, lấy việc xây dựng lối sống văn hóa, phong cách ứng xử, phong cách học tập kiểu mới làm mục tiêu.
Đồng thời, việc xây dựng chương trình và các hoạt động giáo dục trong nhà trường đều dựa trên cơ sở khoa học tâm lý - giáo dục, lấy việc giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống làm nền tảng giáo dục dạy và dạy HS nên người. Đặc biệt, phương pháp dạy học không gây sức ép thành tích, điểm số mà gây hứng thú học tập, phát huy tự lực, chủ động tìm tòi học tập, sáng tạo của HS, giảm lý thuyết, tăng liên hệ thực tế, tăng thực hành, tăng trải nghiệm nhằm hình thành nhân cách và phát triển năng lực HS. Bên cạnh đó, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên một cách thường xuyên giúp họ nắm vững những quan điểm chỉ đạo về đổi mới phương pháp dạy học, thực hành các phương pháp, kỹ thuật dạy học mà cốt lõi là phát huy tính tích cực chủ động, sáng tạo của HS trong dạy học, tạo hứng thú học tập... Tóm lại, giáo dục không chỉ dạy kiến thức mà giáo dục phải hướng tới dạy nhân cách con người”.