Giáo dục "nóng" nghị trường

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 80 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ, chưa kể hàng loạt đại biểu giơ biển tranh luận, nên hệ thống máy tính của Quốc hội có lúc quá tải, bị treo.

Thông tin “ngoài lề” đó phần nào phản ánh sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội với giáo dục, lĩnh vực có liên quan đến mọi người, mọi nhà và tương lai đất nước. Bởi thế, nghị trường đã thực sự “nóng” với hàng loạt vấn đề được đưa ra.

Thời gian qua, chất lượng giáo dục đã có những kết quả tiến bộ, hệ thống giáo dục từ phổ thông đến đại học đang đổi mới căn bản từ chương trình, SGK… Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: “Thông tin mới nhất là chúng ta đã có hai trường ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh lọt vào Top 1.000 các trường ĐH tốt nhất thế giới”.

Nhưng chính người đứng đầu ngành GD&ĐT cũng đã rất thẳng thắn: "Bản thân ngành còn nhiều hạn chế, thiếu sót. Thời gian qua còn nhiều việc tồn tại, gây bức xúc cho Nhân dân. Với trách nhiệm người đứng đầu ngành, tôi xin chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được". Và trong suốt phần chất vấn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã không né tránh, thẳng thắn thừa nhận những hạn chế của ngành như bệnh thành tích vẫn còn đang phổ biến; sự xuống cấp về đạo đức của bộ phận nhỏ giáo viên và học sinh; những hạn chế của giáo dục mầm non. Và trách nhiệm của ngành, của cá nhân mình là người đứng đầu.

Tuy nhiên, cũng qua phiên chất vấn cho thấy, có quá nhiều vấn đề ngành giáo dục cần quan tâm tháo gỡ. Nóng hơn cả là tình trạng xuống cấp đạo đức nghiêm trọng xảy ra ở mọi cấp học từ mầm non tới trung học, giữa giáo viên với học sinh và cả phụ huynh. Nhiều sự việc đến giờ dư luận vẫn còn bức xúc như phụ huynh bắt cô giáo quỳ, học sinh đâm thầy, cô giáo phạt trò uống nước giẻ lau bảng, giáo viên không giảng bài...

Dù chỉ là hiện tượng cá biệt, nhưng đúng như Bộ trưởng nói, “không vì thiểu số mà đánh đồng, nhưng cũng phải kiên quyết không để con sâu làm rầu nồi canh”. Phân tích nguyên nhân thì có nhiều, từ xã hội, áp lực và cả trách nhiệm của ngành GD&ĐT là khâu bồi dưỡng, kiểm soát chưa tốt dẫn đến có thầy cô không có năng lực, kém phẩm chất. Những vụ việc đã qua là cảnh tỉnh lớn đối với ngành giáo dục. Rất mừng là Bộ trưởng đã đưa được ra những giải pháp khắc phục như trong chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ nhấn mạnh về giáo dục công dân, đào tạo con người, đồng thời khẳng định, “gốc của vấn đề là đào tạo giáo viên”. Với tư cách tư lệnh ngành, Bộ trưởng cũng đã “xin nhận trách nhiệm đối với hạn chế trong đào tạo giáo viên, cả về chất lượng và kỹ năng”.

Thực tế, dù ngành giáo dục luôn hô hào “nói không với bệnh thành tích”, nhưng trong quá trình thực hiện, đây lại là vấn đề không chỉ dừng ở quy định mà còn có những yếu tố về văn hóa, thói quen. Bởi thế, nhiều biện pháp đã được thực thi nhưng “căn bệnh” này vẫn đang có dấu hiệu mạnh trở lại. Bộ đã khẳng định sẽ kiên quyết khắc phục, nhưng ĐB và cử tri mong rằng giải pháp phải căn cơ hơn, hiệu quả hơn nữa để triệt tiêu chứ không dừng ở bỏ các cuộc thi.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội đã khép lại sau 3 ngày diễn ra sôi nổi với sự linh hoạt trong điều hành, “hỏi nhanh đáp gọn” hiệu quả. Không chỉ Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, các tư lệnh ngành khác cũng đã thẳng thắn trong nhìn nhận thực tế lĩnh vực mình phụ trách, không né tránh trách nhiệm và đưa ra nhiều quyết tâm, lời hứa. Điều các đại biểu, cử tri mong chờ là các Bộ trưởng sẽ thực hiện điều đã hứa một cách hiệu quả nhất, để trong kỳ chất vấn sau, những vấn đề đã được đưa ra không còn “nóng” nghị trường.