Giáo dục về an toàn giao thông cho học sinh: Chỉ lý thuyết là chưa đủ

Đinh Thành Trung - Ban Kinh tế T.Ư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giảm thiểu TNGT và tăng cường văn hóa giao thông cho người dân, việc giáo dục kiến thức về ATGT cho học sinh (HS) là một nhiệm vụ quan trọng.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, các em HS vẫn chưa dung nạp được hết những kiến thức đó.
Vừa học xong đã... quên

Theo nghiên cứu của PGS.TS Chu Công Minh - trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh, chuyên gia nghiên cứu về giao thông, tỷ lệ thiệt mạng trên 100.000 HS do TNGT là 7,39. Đây là một tỷ lệ rất cao nếu so với các nước ở châu Á (gấp 1,25 lần Campuchia; 2,73 lần Nhật Bản và 1,84 lần Hàn Quốc). Trong số đó, các vụ tai nạn chủ yếu đến từ xe đạp điện, xe máy điện và xe máy (khoảng 0,49 - 0,5 vụ/HS). Đây là con số khiến chúng ta giật mình vì nó quá cao, trong khi ngành giáo dục đã phổ cập giảng dạy ATGT cho HS từ rất lâu.

Vậy tại sao TNGT liên quan tới HS lại cao như vậy? Các em HS là những người chưa đến tuổi trưởng thành, đây là lứa tuổi rất cần được gieo vào ý thức giao thông để khi lớn lên, các em sẽ trở thành những người tham gia giao thông có văn hóa. Tuy nhiên, những gì các em được học trên trường lại chỉ nặng về lý thuyết, chưa nhiều hoạt động thực hành cụ thể, chính vì vậy các em chưa có được nhận thức sâu sắc, cũng như ý thức bắt buộc rằng mình phải tuân thủ luật lệ giao thông.

Học sinh vi phạm luật giao thông trên đường Trương Định, Hà Nội. Ảnh: Chiến Công

Để chứng thực điều này, người viết đã làm một khảo sát nhỏ là hỏi 200 HS ở cả tiểu học, THCS và THPT ở một số trường học trên địa bàn Hà Nội. Kết quả cho thấy, 100% các em đều được học về ATGT, và số lượng kiến thức này tùy vào trường học dạy. Tuy nhiên, tất cả chỉ đều là lý thuyết và không gây ấn tượng sâu sắc với các em khi 86% số HS được hỏi cho rằng các giờ học không hấp dẫn và các em không thích, không quan tâm lắm đến tiết học đó. 81% HS được hỏi đã “quên luôn” mình học những gì về ATGT sau một thời gian được học. Đây là một con số có vẻ bất ngờ, nhưng nó phản ánh thực trạng hiện nay: HS chưa thực sự có được ý thức giao thông nếu chỉ giáo dục toàn lý thuyết.

Tăng tính trực quan

Để các em HS, và lớn hơn là thế hệ trẻ có được ý thức, văn hóa giao thông để sau này chúng ta có một thế hệ tham gia giao thông có trách nhiệm, chúng ta không thể chỉ xây dựng ý thức giao thông cho các em nhờ vào những bài giảng lý thuyết trên lớp. Việc chúng ta cần làm là tăng sự hứng thú cho các giờ học về ATGT, qua đó kích thích HS có ý thức hơn trong việc tiếp nhận kiến thức. Với việc những giờ giảng lý thuyết, giảng luật, giảng biển báo mới chỉ đưa ra kiến thức sơ bộ mà không làm HS hiểu sâu, các em sẽ không thể nhớ được. Vì vậy, ít nhất chúng ta phải xây dựng những clip về tình huống giao thông cụ thể để cho các em tăng tính trực quan, qua đó hiểu luật rõ hơn. Việc làm những clip về tình huống giao thông để giáo dục HS chắc chắn không quá tốn kém, lại có thể nhân rộng để giảng dạy trên toàn quốc. Đó là cái lợi rất lớn. Cùng với đó, chúng ta cần tổ chức những buổi sinh hoạt, buổi thực hành về biển báo trên thực tế, các giờ học về kỹ năng điều khiển phương tiện xe máy. Các trường học có thể phối hợp với cơ quan CSGT để tổ chức các buổi thực hành ngoại khóa về ATGT bên cạnh các buổi sinh hoạt chung ở trường. Tin rằng với sự phối hợp giữa nhà trường, phụ huynh và CSGT thì các buổi sinh hoạt giáo dục như vậy sẽ hiệu quả hơn là chỉ học trên lớp.

Ngành giáo dục cần xây dựng giáo trình bài bản dể giáo dục HS về văn hóa giao thông. Một bộ phận giới trẻ ngày nay không có ý thức giao thông, thậm chí không có một chút văn hóa giao thông nào. Đây có thể do cách giáo dục của gia đình, vì thế cần cảnh tỉnh cho các em để không trở thành người gây ra TNGT. Đáng chú ý là hình ảnh về sự đau thương, mất mát của các vụ TNGT... Có như vậy mới gây ấn tượng mạnh mẽ đến các em HS, để các em sẽ tham gia giao thông cẩn thận hơn trong tương lai.

Trong công tác giáo dục HS về luật giao thông và văn hóa giao thông, điều cốt yếu là phải đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên, hay nói cách khác là trước khi giáo dục HS về ATGT phải giáo dục giáo viên trước. Giáo viên sẽ cần được trang bị cả kiến thức về ATGT cùng nghiệp vụ khi giảng dạy cho HS. Không chỉ vậy, các giáo viên cũng cần có kỹ năng để tổ chức các buổi đào tạo thực tế kỹ năng điều khiển phương tiện cho HS.

Để xây dựng một xã hội có văn hóa giao thông, chúng ta phải có những hành động thiết thực, phải đổi mới cách giảng dạy vừa thực tế, vừa có chiều sâu. Được như vậy, chắc chắn TNGT sẽ giảm thiểu trong tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần