Giáo dục Việt Nam và công cuộc đổi mới Hãy nhìn nhận công bằng!

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trao đổi với Kinh tế & Đô thị về nền giáo dục nước nhà kể từ Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khẳng định: Giáo dục Việt Nam có bước phát triển tốt.

 
Từ cuộc cách mạng đầu tiên

Thưa GS, phong trào Bình dân học vụ và các chương trình (CT) giáo dục những năm sau cách mạng Tháng 8/1945, dù điều kiện kinh tế - xã hội có khó khăn nhưng đã mang đến thành công nhất định và được xã hội đón nhận. GS có thể cho biết nguyên nhân do đâu?

- Đúng là lúc đó, nước ta còn nhiều khó khăn, dân trí chưa cao, nhưng sự hồ hởi của người dân trước thành công của cuộc cách mạng và Việt Nam giành được nền độc lập sau 80 năm đô hộ của thực dân Pháp đã tạo động lực rất lớn, vượt mọi trở ngại để có một cuộc cách mạng trong giáo dục. Tất nhiên, làm nên thành công ấy có thể kể đến tài năng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự cống hiến của tầng lớp tinh hoa như Bộ trưởng Bộ Giáo dục đầu tiên Vũ Đình Hòe, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên...

Lúc đó, không chỉ có phong trào Bình dân học vụ để dạy học cho dân, Nhà nước còn xây dựng được các trường phổ thông và đại học (ĐH) có tên tuổi. Chúng ta thực hiện được cuộc cách mạng trong giáo dục, đưa tiếng Việt trở thành ngôn ngữ chính thức từ tiểu học lên ĐH, khi nhiều trí thức và người dân không tin sẽ làm được. Bởi trước thời Pháp thuộc, việc dạy học chủ yếu bằng tiếng Hán và Pháp, còn tiếng Việt chỉ như dạy ngoại ngữ.

GS đánh giá như thế nào về sự phát triển của giáo dục nước nhà trong những năm gần đây?

- Theo tôi, xã hội đang có cái nhìn thiếu công bằng đối với giáo dục. Chúng ta thử điều tra xem, mỗi gia đình đánh giá con em mình thế nào? Chắc chắn các ông bố, bà mẹ đều cho rằng cháu, con mình giỏi hơn ngày xưa. Suốt từ thời chiến tranh đến giờ, học sinh THPT của mình đi thi quốc tế đều có giải cao và số giải ngày càng nhiều. Về giáo dục đại trà, có những học sinh không đỗ trường ĐH như mong muốn, đi du học tự túc ở nước ngoài vẫn hoàn thành tốt CT, thậm chí đứng đầu lớp. Tất cả những điều đó chứng tỏ giáo dục Việt Nam phát triển tốt. Tuy nhiên, có khả năng kỳ vọng của người dân lớn quá nên họ thất vọng những gì giáo dục đã đạt được.
Học sinh lớp 6, trường THCS Chu Văn An huyện Thanh Trì trong giờ học. Ảnh: Phạm Hùng
Đến đổi mới, dạy học theo hướng tích hợp

Là Tổng chủ biên CT Giáo dục phổ thông tổng thể, ông có thể cho biết, trước khi CT ban hành, Bộ GD&ĐT đã nhận được ý kiến góp ý và tiếp thu, sửa đổi ra sao?

- Trước khi nói về nội dung này, tôi muốn đề cập đến việc chúng ta đã có mấy cuộc cải cách về CT và sách giáo khoa (SGK). Từ năm 1950, Chính phủ đã có nghị quyết cải cách lần thứ nhất để xây dựng nền giáo dục dân chủ, thoát khỏi giáo dục dựa trên thuộc địa. Năm 1956, hòa bình lập lại ở miền Bắc, có cuộc cải cách lần thứ hai, xây dựng nền giáo dục thống nhất cả vùng tự do và kháng chiến, thực hiện hệ thống giáo dục 10 năm. Năm 1979, cuộc cải cách giáo dục lần 3 thống nhất hai miền Nam - Bắc và hệ thống giáo dục đổi thành 12 năm. Năm 2000, đổi mới CT, SGK phổ thông và năm 2006 hợp nhất 3 chương trình tiểu học, THCS và THPT, nhưng lúc đó vẫn còn sơ sài.

Lần này, chúng ta làm CT giáo dục phổ thông bài bản hơn, xây dựng bộ khung CT rồi mới làm CT các môn học. Và dự thảo CT giáo dục phổ thông tổng thể được treo lên mạng 45 ngày để lấy ý kiến Nhân dân và chuyên gia. Bộ GD&ĐT còn gửi công văn xin ý kiến của các vị lãnh đạo Bộ, cựu Bộ trưởng và Thứ trưởng các thời kỳ, Hội đồng Phát triển giáo dục nguồn nhân lực quốc gia, 63 tỉnh, thành. Ban Phát triển Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể còn tổ chức 3 hội thảo ở Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh.

Nói chung các ý kiến đánh giá CT là tốt, nhưng cũng có những góp ý, phê phán. Chúng tôi lắng nghe hết, những góp ý đúng sẽ tiếp thu, còn đúng nhưng không phù hợp điều kiện thực tế sẽ có giải trình.

Dạy học STEM là cụm từ được nói nhiều trong thời gian gần đây, nó sẽ được áp dụng như thế nào khi chúng ta triển khai dạy và học theo CT giáo dục phổ thông mới, thưa GS?

- Trong những năm qua, để chuẩn bị cho cuộc đổi mới này, Bộ GD&ĐT đã đưa một số chủ đề dạy học tích hợp và một số phương pháp dạy học mới vào trường phổ thông để giáo viên quen dần. Bây giờ không phải dạy học theo kiểu cắt môn này, môn kia ra nữa. Ở bậc học dưới, tích hợp trong dạy học rất cao và lên lớp trên thì phân hóa dần. Ngay cả ở THPT, tuy rằng có các môn học độc lập, vẫn có những chủ đề tích hợp để dạy học. Tuy nhiên, mình không nên hiểu STEM lệch lạc chỉ là robotics khiến cho các vùng miền khó khăn khó có thể trang bị cho mỗi lớp vài con robot. Chúng ta nên hiểu cái gì dạy gắn với thực tiễn đó là giáo dục STEM, đặc biệt là ở những môn Toán, Công nghệ, Tin học. Các môn khoa học xã hội có thể áp dụng được tinh thần dạy học STEM.

Kỳ vọng lớp người Việt Nam mới có năng lực, bản lĩnh

Cùng với CT và SGK, giáo viên có vai trò rất quan trọng trong việc đổi mới giáo dục. Các trường sư phạm (SP) sẽ thay đổi mô hình đào tạo giáo viên như thế nào để đáp ứng yêu cầu ở giáo dục phổ thông?

- Hiện nay, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đang chỉ đạo các cơ quan của Bộ và các nhóm chuyên gia nghiên cứu một số vấn đề để đưa ra những giải pháp và nghiên cứu khoa học. Cụ thể, quy hoạch lại mạng lưới trường ĐH và ĐH SP, dự báo nhu cầu đào tạo giáo viên, đổi mới công tác đào tạo ở các trường SP... Các trường SP sẽ phải có mô hình đào tạo giáo viên phù hợp với CT mới, chuyển đào tạo giáo viên THCS đơn ngành sang đa ngành. Cục Nhà giáo chuẩn bị đề án về đào tạo bồi dưỡng giáo viên để thực hiện yêu cầu đổi mới.

Khi CT và SGK mới được đưa vào thực hiện, ông có kỳ vọng và hình dung thế nào về nền giáo dục Việt Nam trong thời gian tới?

- Chúng tôi đề ra mục tiêu rất rõ ràng khi đổi mới CT giáo dục phổ thông tổng thể là đào tạo lớp người Việt Nam mới có đủ phẩm chất, năng lực và bản lĩnh để thích ứng với mọi biến đổi của xã hội, tự nhiên và tiếp tục đưa đất nước phát triển. Sau 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu hết sức quan trọng. Chúng ta đã thoát ra khỏi danh sách các nước chậm phát triển và trở thành một nước đang phát triển, có thu nhập trung bình; nhưng thành tựu kinh tế của nước nhà chưa vững chắc, bởi sự cạnh tranh về kinh tế chưa cao, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, môi trường văn hóa – xã hội còn nhiều vấn đề.

Cũng trong 30 năm đó, trên thế giới có những biến đổi rất cơ bản và nhanh chóng. Với cuộc cách mạng công nghiệp lần 2, 3 đã tạo ra nền kinh tế trí thức và nhất là cuộc cách mạng lần thứ 4 này sẽ có những biến đổi mình không thể lường trước được. Một yếu tố quan trọng quyết định chất lượng giáo dục là giáo viên, khi chúng ta đã có CT, SGK tốt, những giáo viên trẻ luôn có cảm hứng đổi mới, tuy nhiên, đối với người có tuổi họ cũng ngại thay đổi. Tôi không sợ trình độ của giáo viên mà tôi quan tâm đến tinh thần của họ có hứng khởi hay không. Tuy nhiên, nếu mức lương không phù hợp, thu nhập không đủ sống, giáo viên sẽ thiếu động lực để cống hiến.

Xin cảm ơn GS!

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần