Sẽ hạn chế được việc đốt vàng mã

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Công văn yêu cầu loại bỏ tục đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo của T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam được coi như là bước chuyển trong việc hạn chế đốt vàng mã. Bộ VHTT&DL và T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có dự định “bắt tay” để thực hiện hiệu quả việc hạn chế đốt vàng mã.

 Bộ VHTT&DL và T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã có dự định “bắt tay” để thực hiện hiệu quả việc hạn chế đốt vàng mã.
Chưa thể cấm ngay
Ngành văn hóa đã nhiều năm ra các văn bản yêu cầu các cơ sở thờ tự hạn chế đốt vàng mã. Nhưng các công văn này chỉ hiệu quả với người quản lý - Ban quản lý đình, chùa; và chưa ngăn chặn được hành vi của người đi lễ. Cụ thể như ở đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh), vào dịp tháng Chạp của năm trước và tháng Giêng của năm mới, 3 lò hóa vàng luôn cháy rừng rực, người đi lễ chất đầy tiền vàng, vàng mã.
Thừa nhận những việc làm này là gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường, nhưng ông Nguyễn Văn Phúc – Phó Chánh thanh tra Bộ VHTT&DL cho rằng: “Vì theo quy định, ngành văn hóa chỉ có thể xử phạt những trường hợp đốt sai quy định (đốt ngoài lò hóa vàng), không có quy định xử phạt người đốt nhiều”. Thế nên, ở Phủ Dầy (Nam Định), mỗi lễ hầu đồng, người ta mang xe to, xe bé chở mã là ngựa, hình nhân thế mạng, nhà lầu xe hơi…, nhưng không cơ quan quản lý nào nhắc nhở.

Lần đầu tiên, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra công văn yêu cầu loại bỏ tục đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo. Ở Việt Nam, phần nhiều dân số theo đạo Phật, nên theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Văn Huy: “Có thể coi đây là sự khởi đầu cho việc chấn hưng Phật giáo theo con đường Phật tại tâm thay vì mang nặng tâm lý cầu xin như hiện nay”. PGS Huy cho rằng, ngay bây giờ chưa thể cấm người dân đốt vàng mã, nhưng văn bản này là bước khởi đầu cho những cuộc vận động thành công ở nơi thờ tự, đặc biệt nơi thờ Mẫu.
Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thừa nhận, cho dù đốt mã là tín ngưỡng du nhập từ Trung Quốc vào Việt Nam, nhưng đã ăn sâu vào tiềm thức “trần sao âm vậy” của người dân. Chính vì vậy, chưa thể nói cấm ngay, nhưng T.Ư Giáo hội Phật giáo đã có kế hoạch triển khai tuyên truyền để nội dung công văn từng bước đạt kết quả.

Phối hợp triển khai đồng bộ

Hiện nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chủ trương sẽ yêu cầu các sư trụ trì tuyên truyền phổ biến cho người dân, dần dần hạn chế và đi đến xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng đốt vàng mã. “Nhà chùa không có quy định xử phạt, chỉ có thể đem giáo lý nhà Phật ra tuyên truyền, giải thích cho bà con hiểu. Nhưng chúng tôi yêu cầu các sư thầy khi nói phải đưa dẫn chứng, nói làm sao để mọi người nghe, vừa tin vừa phục”- Hòa thượng Thích Gia Quang khẳng định.

Phía Bộ VHTT&DL, bên cạnh yêu cầu các Ban quản lý di tích có kế hoạch tuyên truyền cho người đi lễ tại các cơ sở thờ tự, xây dựng các đề án hạn chế đốt vàng mã ở các “điểm nóng”. “Mấy năm gần đây, Bộ VHTT&DL đã yêu cầu Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam phối hợp với Bắc Ninh khảo sát và xây dựng đề án hạn chế đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho.
Đề án chưa hoàn thiện, nhưng địa phương cũng có đề xuất chuyển giao vận dụng đề án theo lộ trình. Việc làm vận động người dân đi lễ cung tiến nhập kho đền là một ví dụ. Tiếp theo, Bộ sẽ quan tâm quản lý ở đền, miếu – cơ sở tín ngưỡng thờ Mẫu, việc tuyên truyền, thực hiện sẽ gắn với tập tục lâu đời để người dân hiểu và hạn chế đốt vàng mã” – Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy cho biết.

Cho dù công văn yêu cầu loại bỏ tập tục đốt vàng mã ở các cơ sở thờ tự Phật giáo mới được gửi đến các di tích thuộc sự quản lý của T.Ư Giáo hội Phật giáo, nhưng tương lai, bên cạnh công tác tuyên truyền, T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành, đồng thời 2 bên sẽ ra các thông tư, yêu cầu triển khai đồng bộ. Nếu như kế hoạch này được thực hiện, thì đây là lần đầu tiên “2 nhà” bắt tay yêu cầu hạn chế một hiện tượng gây lãng phí, ô nhiễm môi trường nhiều năm nay. Mặc dù, quá trình thực hiện phải dần dần, nhưng chắc chắn công tác tuyên truyền vận động đồng bộ sẽ mang lại hiệu quả, chứ không nói rồi để đấy của các ngành như nhiều năm nay.