Xôn xao vấn đề loại bỏ tục đốt vàng mã: Giáo lý nhà Phật không dạy đốt vàng mã

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngay sau khi T.Ư Giáo hội Phật giáo Việt Nam có công văn đề nghị các phật tử loại bỏ tục đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo, vấn đề hạn chế đốt vàng mã một lần nữa lại xôn xao trong dư luận.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ
Nhiều người đặt câu hỏi: Câu chuyện muôn thuở này liệu có đổi thay từ công văn này? Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ - nguyên giảng viên trường Đại học Khoa học xã hội nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) về vấn đề này.
Lỗi từ ông thầy cúng

Rất nhiều năm các cơ quan quản lý ráo riết hạn chế tình trạng đốt vàng mã, nhưng vàng mã vẫn đốt tràn lan. Theo ông, có phải thói quen, quan niệm đốt càng nhiều vàng mã, cõi âm càng phù hộ đã ăn sâu vào tâm lý nên khó hạn chế?

- Đốt vàng mã là phong tục thuộc về Đạo giáo, bắt nguồn từ tục chia của cho người đã khuất từ xa xưa mà hiện nay còn lưu lại ở một số tộc người thiểu số. Ban đầu, người ta chia của thật như vòng tay, giáo mác, công cụ; sau đó đúc nhái những thứ đó để tiết kiệm, gọi là đồ minh khí.
Từ khi có giấy, người ta làm tiền và khí cụ, phương tiện bằng giấy, dùng lửa “hóa” gửi sang thế giới bên kia. Khi làm bằng giấy là một hành vi tiết kiệm và mang tính biểu tượng. Khi xưa, thầy cúng kiêm luôn làm vàng mã, cho nên khi cúng thì xui người ta đốt nhiều để dễ bán hàng. Từ đó dân đua nhau. Miệng thầy cúng thì dẻo, lại thêm phần tín ngưỡng u u minh minh nên nhiều người tin. Rồi người này học đòi đua tranh mà đẩy dần lên. 
 Từ lâu việc đốt vàng mã đã ăn sâu trong suy nghĩ của nhiều người dân. Ảnh: Thanh Hải.
Cái này là mê tín, sự mê tín ăn sâu đã lâu đời và sự đua tranh ngày càng tăng thành ra phong trào. Tâm lý có thờ có thiêng, có kiêng có lành của dân gian khiến cho nó tràn lan thêm, trở thành một tệ nạn theo nhau.

"Nhiều người Việt quan niệm “trần sao âm vậy” nên ngày nay người dân chọn đốt vàng mã các loại từ nhà lầu, xe hơi đến giấy tiền âm phủ gửi cõi âm. Phật giáo không khuyên mọi người phải đốt vàng mã để báo hiếu vì khi đốt những thứ này hóa thành tro, người âm sẽ không nhận được. Nếu muốn ông bà, cha mẹ được siêu thoát thì phải thật tâm làm việc thiện để thay cha mẹ giải những nghiệp xấu khi còn sống. Vì vậy, mọi người thay vì bỏ tiền ra mua vàng mã để đốt hãy làm những việc thực tế hơn, đó là mang tiền đó giúp đỡ những người nghèo khó. Cuộc sống cần phải hướng thiện bằng việc làm cụ thể ở đời thực hơn là những hành động lãng phí, gây ô nhiễm môi trường như đốt vàng mã." - Sư thầy  Thích Thiện Chiếu - Trụ trì chùa Kỳ Quang


"Để hạn chế đốt vàng mã, tôi đặc biệt nhấn mạnh vai trò của những người làm công tác dẫn dắt đời sống tâm linh như nhà sư, thầy cúng, thầy mo… Sức ảnh hưởng của họ trong việc này rất lớn và có tiếng nói quyết định. Nếu họ kết hợp với hệ thống chính quyền (nhất là vai trò trưởng thôn) và hệ thống pháp luật, định hướng lại những nghi thức, tập tục, tôi tin rằng mọi chuyện sẽ được thay đổi theo chiều hướng tốt lên." - TS  Nguyễn Ngọc Mai - Viện Nghiên cứu tôn giáo

Không chỉ việc đi lễ chùa đầu năm, đốt vàng mã cũng là “vấn nạn” suốt trong năm. Từ lâu việc đốt vàng mã đã ăn sâu trong nếp nghĩ của người dân Việt, trở thành tập tục phổ biến. Vào các ngày rằm, mùng một (âm lịch), lễ Xá tội vong nhân (rằm tháng Bảy âm lịch), lễ hóa vàng đầu năm, thanh minh, tảo mộ, cúng giỗ… dễ bắt gặp hình ảnh nhà nhà sắm đồ vàng mã với rất nhiều chủng loại ngày càng phong phú vì “trần sao âm vậy”. Khói nghi ngút ở khắp nơi từ sân thượng, vỉa hè, từ nghĩa trang cho tới khuôn viên đền, chùa, miếu mạo…

Có người nói kinh tế khá giả, người dân càng nhiều tiền sắm vàng mã; nhưng mặt khác từ khi hầu đồng trở thành di sản phi vật thể thế giới, các giá đồng nở rộ cũng là nguyên nhân khiến lượng vàng mã tiêu thụ cao. Theo ông, giá đồng lớn có tương đương với độ hoành tráng của vàng mã, hay còn các yếu tố khác?

- Hầu đồng nằm trong tín ngưỡng thực hành tam phủ tứ phủ. Gốc rễ cũng cơ bản là Đạo giáo. Thừa nhận tín ngưỡng thờ Mẫu trong đó có hầu đồng là di sản, là thừa nhận một tín ngưỡng mang bản sắc. Tuy nhiên, những yếu tố mê tín thì mọi nghiên cứu văn hóa đều bài bác. Chúng ta cũng vậy, những yếu tố nghệ thuật như diễn xướng, ca nhạc, lịch sử, di sản vật chất là đáng bảo tồn, còn yếu tố mê tín thì cần thanh lọc.

Mỗi giá đồng có yếu tố tâm lý và nghệ thuật trình diễn, còn sự mong cầu vô lý thì không giải quyết các vấn đề hiện thực. Rất tiếc là nhiều nhà nghiên cứu vẫn chưa phân xuất được các yếu tố khác nhau, thành ra có những ý kiến dấp dính, làm gia tăng sự mê tín trong dân chúng. Cầu mà được thì nước mình, dân mình đã nhất thế giới mọi phương diện rồi.

Tuy muộn nhưng đúng

Một số người am hiểu về Phật giáo cho rằng, bản chất Phật giáo không có tục đốt vàng mã, cũng không có cầu may, cầu tài. Quan điểm này có đúng với truyền thống, thưa ông?

- Phật giáo không có tục đốt vàng mã. Hoa giấy trang nghiêm phật đài họ gọi là hoa man, mục đích là làm cho chốn phật thêm thiêng liêng. Đi chùa có 3 hành vi: Lễ bái, cúng dường và vãn cảnh. Người lễ bái cúng dường được 5 sự may cho kiếp sau gọi là ngũ công đức như: Kiếp sau hình tướng xinh đẹp, giọng nói hay, có nhiều của báu, sinh vào nơi cao sang, sinh lên các cõi trời. Lễ bái mà cầu danh lợi, lễ bái mà với cái tâm kiêu mạn thì gọi là hai tà lễ. Đi chùa, đưa tục Đạo giáo vào rồi cầu danh cầu lợi, rồi đua tranh nhiều ít thì phạm vào tà lễ. Kinh sách nghi quỹ xưa của Phật giáo đều dạy thế cả. Ở ta, mọi thứ đều nhập hết cả vào nhau rồi người đi chùa không biết, cứ thế mà vái lạy, đốt mã mù trời. Điều đó nên tránh.

Năm nay, lần đầu tiên T.Ư Hội Phật giáo Việt Nam chính thức có tiếng nói, ra văn bản đề nghị bỏ tục đốt vàng mã trong các chùa chiền theo đạo Phật. Ông có cho rằng văn bản này sẽ là thuốc chữa căn bệnh trong tâm lý người dân?

- Việc bỏ đốt vàng mã tại chùa là đúng, hành động này của giáo hội tuy muộn nhưng cần thiết, đáng lẽ phải chấn chỉnh sớm hơn. Các chùa thường có hội phật tử sinh hoạt thường kỳ, cho nên cần tuyên truyền mạnh. Còn các hội khác cũng của nhà chùa nên hướng dẫn người đi lễ thực hiện nghiêm, chắc sẽ thành công. Với lại, nhiều chùa đồng thời là di tích văn hóa, nên chính quyền cũng cần kiểm soát việc thực hiện.

Theo ông, du khách đi lễ hội nếu không đốt tiền vàng, đặt tiền lẻ thì còn có cách nào thể hiện lòng thành khi đến những nơi đình, đền, chùa?

- Vào chùa, vào đền, quý nhất là cái tâm. Người ta có thân lễ bái, khẩu lễ bái, ý lễ bái: Thân là phục trang, tư thế, dung nhan tử tế. Khẩu là chào thưa, tụng niệm nghiêm trang, hiền hòa. Tâm là hướng đến lòng kính trọng thần tượng, hướng đến giáo lý và đạo đức, cầu mong cho mình và cho mọi người cuộc sống nhân ái, vị tha, hạnh phúc. Người xưa thường nói “lễ bạc tâm thành” khi đi lễ là như vậy. Tùy tâm mà lễ bái, cúng dường, đừng đua nhau, theo nhau mà làm xấu chốn trang nghiêm. Cúng dường cũng vậy, tùy hoàn cảnh, tùy điều kiện mà thực hiện. Đua nhau là tự mất quyền lựa chọn của chính mình.

Xin cảm ơn ông!

"Tục đốt vàng mã trong Phật giáo không có, nên Giáo hội Phật giáo chủ trương yêu cầu các phật tử, từ các thầy trụ trì các chùa phổ biến cho người dân, hạn chế dần dần đi đến từ bỏ tục đốt vàng mã. Phật giáo không có quy định xử phạt, chỉ khuyến nghị nhắc nhở, nhưng tôi tin đem giáo lý nhà Phật ra giải thích sẽ dần thay đổi." - Hòa thượng  Thích Gia Quang  Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần