Hướng đến Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025):
Giáo sư, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng: “bà tiên giữa đời thường"
Kinhtedothi - Nhân dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị đã có buổi trò chuyện với Giáo sư, bác sĩ (GS.BS) Nguyễn Thị Ngọc Phượng - nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ - người phụ nữ tài danh và đức độ được nhiều người tôn vinh là “bà tiên giữa đời thường”.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong buổi trò chuyện cùng phóng viên Báo Kinh tế và Đô thị. Ảnh: Việt Hùng
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng là bác sĩ đầu tiên của Việt Nam vinh dự nhận được giải “Nobel châu Á” Magsaysay năm 2024. Bà cũng được Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới và Thầy thuốc Nhân dân, là 1 trong 60 nhân vật tiêu biểu của TP Hồ Chí Minh sau 50 năm giải phóng.

Ca mổ tách cặp song sinh hai cháu Việt - Đức ngày 4/10/1988 tại Bệnh viện Từ Dũ thành công đã gây chấn động giới y khoa trong, ngoài nước và trở thành một sự kiện trên diễn đàn báo chí quốc tế. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Gặp bà, chúng tôi thoáng chút ngỡ ngàng trước người phụ nữ vóc dáng nhỏ bé, cử chỉ nhẹ nhàng, dù đã bước sang tuổi 82 nhưng vẫn rất tinh anh và quyết đoán. Hàng ngày bà vẫn đi làm và khám, chữa bệnh cho bệnh nhân với tâm niệm giản dị: "Chừng nào còn sức khỏe thì chừng đó tôi còn cống hiến vì còn nhiều bệnh nhân, nhiều hoàn cảnh khó khăn đang cần tôi giúp đỡ". Đến nay, bà đã có 60 năm cống hiến cho ngành sản khoa và gần 40 năm bền bỉ đấu tranh đòi công lý cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.
Trong suốt quá trình công tác, bà từng giữ nhiều trọng trách như: đại biểu Quốc hội các khóa VII, VIII, IX; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Y tế và Xã hội Quốc hội khóa VII; Phó Chủ tịch Quốc hội khóa VIII; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khóa IX… Năm 2005, khi đến tuổi nghỉ hưu bà tiếp tục giữ chức vụ Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TP Hồ Chí Minh (HOSREM); Phó Chủ tịch Hội Phụ sản Việt Nam (VAGO).
Bà từng là Phó Chủ tịch Hội Chất độc da cam/dioxin TP Hồ Chí Minh và Phó Chủ tịch Hội Chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) từ ngày đầu thành lập hội chất độc da cam đến khi bà 81 tuổi mới thôi giữ chức này. Dù ở cương vị nào bà vẫn luôn say mê cống hiến hết mình cho sự nghiệp chung của Nhân dân, đất nước.
Bà cũng từng giữ cương vị lãnh đạo ở các đơn vị như: Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh, Hội Phụ sản Việt Nam, Đại học Y Phạm Ngọc Thạch, là thành viên sáng lập và Giám đốc đầu tiên của Viện Tim TP Hồ Chí Minh... Tuy nhiên, nơi bà gắn bó lâu và đạt được nhiều thành tựu nhất đó là Bệnh viện Từ Dũ.
Bà tốt nghiệp bác sĩ nội trú Y khoa tại Việt Nam và sau đó dù có thể ra làm bác sĩ ngay nhưng bà đã xin ba mẹ cho học thêm 3 năm và thi đậu chứng chỉ ECFMG của Mỹ (Educational Council for Foreign Medical Graduates) tại Việt Nam năm 1973, tương đương với tiến sĩ y khoa của Mỹ. Mặc dù được chồng bảo lãnh sang Pháp nhưng bà vẫn nhất quyết ở lại Việt Nam với mong muốn được cống hiến cho quê hương. Bà đã mang tới rất nhiều dấu ấn “đầu tiên” cho Bệnh viện Từ Dũ và ngành Y TP Hồ Chí Minh.
Năm 1984, khi được cử sang Bangkok làm việc, bà mới biết tới phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF) đã thực hiện thành công ở Anh từ năm 1978 nên hạ quyết tâm, bằng mọi giá phải làm được điều đó tại Việt Nam. Do đó, cứ hết giờ làm, bà lại lập tức lên thư viện để tìm tài liệu nghiên cứu.
Năm 1994, sau ca mổ Việt - Đức (ca mổ tách cặp song sinh dính liền thành công đầu tiên ở Việt Nam), Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã gửi hồ sơ của bà sang Pháp làm bằng tiến sĩ. Nhưng tại Pháp với nhận định về bằng cấp và lý lịch khoa học, bà được xét phong Giáo sư trọn đời tại Đại học Nice Sophia Antipolis sau khi được Hội đồng giáo sư ở 4 cấp (trường, khu vực, vùng và toàn quốc) và quyết định của Tổng thống Pháp lúc bấy giờ.
Trong thời gian công tác tại đây, bà tiếp tục tận dụng mọi thời gian rảnh vào nơi làm IVF để ghi chép lại cẩn thận từng quy trình, từng thiết bị cần thiết và dùng tiền lương của mình để mua trang thiết bị, máy móc, dụng cụ trang bị cho phòng thụ tinh trong ống nghiệm.
Sau khi về nước, bà bắt đầu thực hiện các công tác chuẩn bị thật kỹ lưỡng và chỉ còn chờ công văn cho phép của Bộ Y tế cho thực hiện kỹ thuật này. Ngày 19/8/1997, Bộ Y tế ra công văn chính thức cho phép Bệnh viện Từ Dũ thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm. Ngay sau đó, bà đã tiến hành thực hiện IVF và đã thành công ghi dấu mốc trong lịch sử y học Việt Nam.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cùng phái đoàn Việt Nam tham dự buổi điều trần chất độc da cam ở Hạ viện Mỹ 15/7/2010. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Từ thành công với ca IVF, đợt đầu tiên, ê kíp y, bác sĩ tại Bệnh viện Từ Dũ đã thực hiện 36 ca, (ngay sau khi có quyết định cho phép thực hiện) thì 13 ca có thai, (đạt tỷ lệ 33%). Sự kiện này đã đặt nền móng cho ngành hỗ trợ sinh sản tại Việt Nam sau này. Từ thành công của Bệnh viện Từ Dũ, bà đã đề nghị Bộ Y tế nhân rộng mô hình IVF ra cả nước.
Đến nay, sau hơn 20 năm, cả nước đã có hơn 60 trung tâm thực hiện IVF và mang lại hàng trăm nghìn ca IVF thành công cho những cặp vợ chồng hiếm muộn. Số ca IVF cũng ngày càng được nâng cao về chất lượng kỹ thuật. Số ca thành công tại bệnh viện luôn đạt trên 50%, tương đương với nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới như: Singapore, Úc, Mỹ...
Bà tự hào nói: “Ngành Y tế của nước ta có tiềm lực phát triển hàng đầu thế giới bởi các bác sĩ Việt Nam rất giỏi, được thế giới đánh giá rất cao. Hầu hết các ca phẫu thuật phức tạp chúng ta đều đã làm được và làm tốt không kém gì các nước phát triển, thậm chí có nhiều lĩnh vực chúng ta đã đứng hàng top của thế giới”.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (hàng đầu, thứ 3 từ trái sang) tại phiên điều trần trước Hạ viện Mỹ năm 2010. Ảnh: Tư liệu TTXVN
Nhằm hạn chế tỉ lệ tử vong cho bà mẹ và trẻ sơ sinh vùng cao, năm 1992, bà tiếp tục khởi xướng cho việc thực hiện chương trình đào tạo "Cô đỡ thôn bản". Khởi đầu, chương trình được triển khai hỗ trợ các chị em phụ nữ vùng sâu, vùng xa tại các tỉnh Tây Nguyên. Kết quả, các cô đỡ sau khi được huấn luyện đã áp dụng kiến thức đỡ đẻ sạch và an toàn cho các chị không chịu ra trạm y tế để sinh con.
Đến nay, chương trình đã có gần 1.500 cô đỡ được công nhận chức danh, hoạt động tại 20 tỉnh thuộc khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung, Tây Nguyên. Mô hình này đã được quỹ Dân số của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới đánh giá cao và tài trợ một phần kinh phí để thực hiện.
Ngoài những thành tựu trong ngành Y, bà còn giành gần 40 năm để nghiên cứu và đấu tranh cho công lý của nạn nhân chất độc da cam.
Bà hồi tưởng, vào khoảng năm 1966, bà vô tình đỡ đẻ cho một thai nhi vô sọ. Tìm hiểu thêm, bà được biết thực tế có nhiều trẻ khác cũng gặp tình trạng tương tự khiến bà không thể lý giải nguyên nhân, nên đã xin giữ lại những bào thai này để nghiên cứu. Từ thực tế và các tài liệu sưu tầm được bà xác định có 5 nhóm dị tật mà Việt Nam thường gặp: dị tật ống thần kinh, nứt đốt sống, khuyết tật về tay chân, khuyết tật về cơ quan giác quan (mắt, mũi, miệng, lỗ tai), song thai dính nhau.

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng bên trẻ khuyết tật do chất độc màu da cam. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Liên quan đến vấn đề chất độc màu da cam, bà đã có 3 bài báo cáo được tạp chí khoa học Anh đồng ý đăng, trong đó có bài so sánh giữa Bến Tre với TP Hồ Chí Minh, Cà Mau với TP Hồ Chí Minh và những người đến Bệnh viện Từ Dũ sinh con bị dị tật so với những người không bị có tỉ lệ phơi nhiễm chất độc da cam ra sao. Đến năm 1984, bà đã mang theo tất cả tài liệu sang Mỹ dự hội nghị khoa học. Tuy nhiên, phía Mỹ từ chối cho phép công bố những tài liệu này.
Năm 2008 và 2010, theo yêu cầu của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, bà được Chính phủ cử sang để điều trần về vấn đề chất độc da cam/dioxin với việc gây ra dị tật bẩm sinh và các bệnh ung thư... Đồng thời, bà cũng đến Tòa án lương tâm quốc tế năm 2009 tại Paris để góp tiếng nói tố cáo các công ty hóa chất Mỹ đã sản xuất các chất độc hóa học gây hại cho con người.
Sau những chuyến đi đó bà đã làm thức tỉnh và tạo nên dư luận khá tốt đối với dân Mỹ và nhiều nước trên thế giới. Sau nhiều công sức, tại cuộc Đối thoại Việt - Mỹ, nước Mỹ đã cam kết chi khoảng 300 triệu USD để tẩy độc sân bay và hỗ trợ y tế. Trong cuộc chiến này bà luôn nhận được sự ủng hộ của Đảng và Nhà nước, của các bạn bè, chuyên gia quốc tế như nhóm Hatfield (Canada).

GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng trong hoạt động thiện nguyện, hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Tại buổi trao giải trao giải “Nobel châu Á” Magsaysay năm 2024, ghi nhận sự cống hiến và tinh thần phục vụ cộng đồng của bà, Ban tổ chức giải thưởng đã cho rằng: công việc của bà là lời cảnh báo nghiêm trọng cho thế giới tránh chiến tranh bằng mọi giá vì hậu quả bi thảm của nó có thể kéo dài đến tận tương lai. Quỹ Giải thưởng Ramon Magsaysay cũng nhấn mạnh: "Không bao giờ là quá muộn để sửa chữa sai lầm của chiến tranh, giành lại công lý và cứu trợ cho những nạn nhân bất hạnh".
Trước sự kiện Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, bà tự hào với khẳng định: "Trong suốt chặng đường 50 năm, đất nước đã vượt lên và phát triển thần kỳ. Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo đất nước với đường lối đối ngoại khôn khéo và tài tình, từng bước đưa đất nước phát triển đột phá, nhanh, bền vững. Vì vậy, giấc mơ một Việt Nam hùng cường là hoàn toàn không xa”.

TP Hồ Chí Minh: hành trình 50 năm xây dựng và phát triển
Kinhtedothi - Trong hành trình 50 năm sau ngày giải phóng, dù phải trải qua nhiều khó khăn, đến nay TP Hồ Chí Minh đã và đang là đầu tàu kinh tế, xã hội “vì cả nước, cùng cả nước" trong công cuộc xây dựng và phát triển của đất nước.

Hoa kèn hồng nở rực rỡ trên nhiều tuyến đường TP Hồ Chí Minh
Kinhtedothi - Những ngày cuối tháng 4, nhiều tuyến đường, công viên và khu dân cư tại TP Hồ Chí Minh như được khoác lên mình tấm áo mới rực rỡ với sắc hồng dịu dàng của hoa kèn hồng, tạo nên khung cảnh lãng mạn và đầy sức sống.

TP Hồ Chí Minh: Tôn vinh 60 cá nhân tiêu biểu trong 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển thành phố
Kinhtedothi – Trong 60 cá nhân tiêu biểu, có 31 vị đã qua đời, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tôn vinh là những người có thành tích đặc biệt xuất sắc, có nhiều cống hiến cho cộng đồng, xã hội trên các ngành, lĩnh vực trong chặng đường 50 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển TP (1975-2025).