Giáo sư Mỹ giành Nobel Kinh tế nhờ nghiên cứu hành vi tài chính

Tú Anh (Theo The Guardian)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Richard Thaler - Giáo sư về Kinh tế và Khoa học Hành vi tại Đại học Chicago (Mỹ) đã trở thành chủ nhân của Giải Nobel Kinh tế năm 2017.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận xét ông Thaler "đã đưa được các giả thuyết mang tính thực tiễn về tâm lý vào các nghiên cứu về quyết định kinh tế". Ông đã chỉ ra 3 tính cách đặc trưng của con người ảnh hưởng một cách hệ thống đến quyết định cá nhân cũng như tác động thị trường.

Trong công trình nghiên cứu, Giáo sư người Mỹ đã kết hợp các giả định thực tế về tâm lý để phân tích hành vi kinh tế. Ông đã chỉ ra ba yếu tố ảnh hưởng đến quyết định kinh tế của các cá nhân cũng như kết quả đối với thị trường.
 Giáo sư Richard Thaler.
Thứ nhất, về khả năng Nhận định hạn chế, Thaler đã xây dựng lý thuyết về kế toán tâm lý, giải thích cách mọi người đơn giản hóa quyết định tài chính bằng cách tự sắp xếp các tài khoản trong tâm trí. Theo đó, ông giải thích nguyên nhân con người coi giá trị của cùng một vật cao hơn khi họ không thể sở hữu nó. Thaler là một trong những nhà tiên phong trong vấn đề nghiên cứu hành vi tài chính, cũng như các tác động đối với thị trường tài chính.
Điều thứ hai ảnh hưởng hành vi tài chính là sự Thiên vị xã hội. Nghiên cứu của Thaler cho thấy sự quan tâm về công bằng đối với người tiêu dùng có thể ngăn các công ty tăng giá trong những thời kỳ nhu cầu gia tăng, thay vì thời kỳ tăng chi phí. Thaler và các đồng nghiệp đã phát minh ra trò chơi độc tài, một công cụ thử nghiệm được sử dụng trong nhiều nghiên cứu để đo lường thái độ đối với sự công bằng trong các nhóm người khác nhau trên khắp thế giới.
Mảnh ghép cuối trong số các yếu tố ảnh hưởng hành vi tài chính là tính Thiếu tự chủ. Thaler cũng đã lật lại vấn đề cho thấy các quyết định về tài chính trong đầu năm thường thất bại. Sự cám dỗ trong ngắn hạn là một lý do quan trọng khiến kế hoạch tiết kiệm lương hưu hay chọn lối sống lành mạnh bị đổ bể. Trong quá trình ứng dụng điều này vào thực tế, Thaler đã xây dựng một mô hình có tên Nudging nhằm giúp con người tự chủ theo đuổi các kế hoạch tài chính dài hạn một cách hiệu quả.

Năm 2016, Giải Nobel Kinh tế được trao cho hai nhà kinh tế Oliver Hart (Anh) và Bengt Holmstrom (Phần Lan) vì công trình nghiên cứu cải tiến sự hiểu biết của thế giới về lý do và cách thức mà hợp đồng vận hành, cũng như cách thiết kế hợp đồng sao cho nó vận hành tốt hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần