Giáo sư Võ Tòng Xuân: Cần có thương hiệu quốc gia cho gạo Việt

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việc cấp bảo hộ bản quyền hay thương hiệu cho gạo ST25 là quá chậm, cơ quan nhà nước cùng doanh nghiệp (DN) phải gấp rút làm và có thể kiện các DN Mỹ, vì chúng ta có cơ sở là có đầy đủ lý lịch, sổ sách chứng minh được nguồn gốc của giống lúa này.

Bài học từ gạo ST25
Đó là nhận định của Giáo sư Võ Tòng Xuân khi trao đổi với PV Kinh tế&Đô thị trước tình trạng các DN Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam.
Theo ông Xuân, động thái cấp bản quyền tác giả hay bảo hộ thương hiệu cho gạo ST25 là quá chậm. Nếu không có động thái ngay để chặn đứng (tình trạng bị người khác bảo hộ thương hiệu) thì mình sẽ khó xuất khẩu (XK) giống gạo này, thậm chí người ta có quyền buộc mình phải trả tiền bản quyền vì họ có bảo hộ, nếu không họ sẽ kiện ngược lại mình.
 Giáo sư Võ Tòng Xuân trao đổi với phóng viên.
“Ví dụ một doanh nghiệp (DN) nào đó xuất khẩu (XK) gạo ST25 sang Mỹ mà để tên gạo của DN đó thì sẽ bị phía Mỹ kiện, bắt bồi thường vì họ nói rằng giống này là của tôi. Chúng ta còn sơ hở, cần phải có hành động cho nhanh để chặn đứng, tránh người ta giành cái tên để đó rồi không làm gì hết, còn mình thì kẹt không XK được, nếu có được thì phải đóng thuế tác giả, vô tình mình làm cho người ta hưởng”, ông Xuân nói.
Theo GS Võ Tòng Xuân, đáng lẽ khi được vinh danh như thế (gạo ngon nhất thế giới - PV), ngoài việc khen thưởng ông Hồ Quang Cua cũng phải công bố rằng giống này là của Việt Nam, cho vào danh sách các giống lúa của Việt Nam được phép XK. “Khi đó người ta sẽ không dám làm gì, đằng này danh sách giống lúa mà Bộ Nông nghiệp công nhận cho XK lại không có tên ST25”, GS Võ Tòng Xuân nói và cho rằng chúng ta quá chậm trong việc này, bây giờ cả cơ quan nhà nước cùng DN phải gấp rút làm và có thể kiện các DN Mỹ, vì chúng ta có cơ sở là có đầy đủ lý lịch sổ sách chứng minh được nguồn gốc của giống lúa ST25.
Cần có thương hiệu quốc gia
Theo đại diện một DN, việc XK gạo sang Mỹ chủ yếu thông qua nhà nhập khẩu (DN thương mại) và những đơn vị này sẽ đăng ký mẫu mã thương hiệu của riêng họ. Kể cả đóng bao bì ở Việt Nam, họ cũng yêu cầu DN trong nước phải đóng vào bao với thiết kế, nhãn hiệu, những loại ngôn ngữ... theo yêu cầu của họ, đây là việc khá dễ dàng.
“Người tiêu dùng Mỹ mua gạo thường chỉ dưa vào bao bì, nhãn hiệu, đúng loại, thậm chí nhiều lúc đưa bao bì khác nhưng cùng chủng loại gạo đó người ta cũng không mua. Chính việc phải bán qua trung gian nên DN trong nước chỉ biết bán gạo, còn vấn đề thương hiệu, đăng ký nhận diện thương hiệu, đăng ký bảo hộ… thì DN Việt Nam chưa chú tâm. Đây là kẽ hở cho các công ty thương mại họ đăng ký như trường hợp gạo ST25 tại thị trường Mỹ”, vị này cho biết.
 Cần có thương hiệu quốc gia cho gạo Việt
Đại diện DN dẫn chứng thêm, cũng bao bì được bảo hộ thương hiệu gạo ST25 nhưng sau này họ không đóng gạo ST25 mà thay vào một loại gạo khác thì cũng khó biết được. Điều này có thể dẫn đến gây tổn hại cho thương hiệu gạo ST25 từng đạt giải ngon nhất thế giới, bởi khi đó “xác” là ST25 nhưng “hồn” thì không phải, hệ lụy là họ sẽ đánh giá thấp chất lượng gạo ST25.
Chưa kể, gạo ST25 được trồng ở những vùng đất khác nhau sẽ cho ra chất lượng không giống nhau. Nếu lấy đúng nguồn nguyên liệu ở Sóc Trăng, được trồng đúng nguồn giống F1 của công ty giống đưa ra thì chất lượng sẽ tốt hơn so với mua trôi nổi, dù cùng là giống ST25. Vì vậy, việc cần làm ngay là phải công bố tiêu chuẩn chất lượng nhằm bảo vệ thương hiệu gạo ST25 của Việt Nam, tránh tình trạng “xác ST25, nhưng hồn không phải”.
Trước đó, thông tin với báo chí, ông Hồ Quang Trí (con trai ông Hồ Quang Cua và là Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hồ Quang Trí, đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25) cho hay, việc các DN nước ngoài đăng ký bảo hộ sản phẩm ST25 tại thị trường Mỹ chưa ảnh hưởng nhiều tới hoạt động của DN, song, đây là vấn đề quốc gia, liên quan tới việc xây dựng thương hiệu quốc gia, vượt ngoài khả năng của DN.
Theo ông Trí, ở Thái Lan, giống gạo thơm Hom Mali (nhiều năm liền đạt giải nhất gạo ngon thế giới và giá bán sản phẩm này rất cao) rất được coi trọng và đã được nước này công nhận là thương hiệu quốc gia, DN nào muốn bán gạo đó sang nước khác thì phải được nhà nước cấp giấy chứng nhận rằng DN đó có sản xuất gạo Hom Mali của Thái Lan. Còn ở Việt Nam, cho đến nay chưa ai công nhận gạo ST25 là thương hiệu quốc gia, thuộc sở hữu của nhà nước, trong khi DN nhỏ như DNTN Hồ Quang Trí hay người chuyên tâm làm khoa học như kỹ sư Hồ Quang Cua thì không đủ sức lo chuyện ở bên Mỹ.
Đại diện DN này cho rằng, về lâu dài, cần có thương hiệu gạo chung của Việt Nam giống như cách người Thái đã làm được với gạo Hom Mali. Hiện DN này cũng đang tìm hiểu để đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ cho sản phẩm gạo thơm ST24, ST25 tại Việt Nam cũng như một số thị trường XK…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần