Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Giao thông công cộng tại Đông Nam Á - Thị trường hứa hẹn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng cơ sở hạ tầng giao thông chưa phát triển đúng mức ở các nước Đông Nam Á đang được các nhà đầu tư nước ngoài xem như một thị trường tiềm năng đầy hứa hẹn.

Thủ đô Bangkok, Thái Lan sở hữu tàu điện trên không và tàu điện ngầm giúp giảm thiểu ách tắc giao thông.

Giao thông ở thủ đô Manila, Philippines là một trong những vấn đề được quan tâm nhất nhì hiện nay. Theo Numbeo, một cơ sở dữ liệu trực tuyến về xu hướng xã hội, thủ đô của Philippines đứng thứ 10 trong danh sách những TP bị tắc nghẽn nhất trên thế giới vào năm 2016. Bên cạnh những khó khăn trong việc đi lại của người dân, vấn đề giao thông cũng gây ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế Philippines. Theo Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), Philippines đang phải chịu tổn thất về kinh tế trị giá 18 tỷ USD hàng năm do tắc nghẽn giao thông, làm giảm năng suất chung của nền kinh tế. 

Vấn đề tương tự cũng đang xảy ra tại nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tại một số nước Đông Nam Á nơi có nền kinh tế đang phát triển, sở hữu đông đảo lực lượng lao động trẻ, đồng nghĩa với việc sử dụng nhiều phương tiện giao thông và điều này cũng làm trầm trọng thêm tình trạng tắc nghẽn ở các TP lớn.

Đối mặt với nhu cầu sử dụng phương tiện giao thông ngày càng cao, nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang tập trung vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông công cộng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Thái Lan đều đang rất quan tâm đến đầu tư vào hạ tầng giao thông, cùng lúc đó chính phủ Việt Nam cũng đang ráo riết triển khai hệ thống tàu điện ngầm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. 

Trong khi đó, chính phủ Malaysia cũng đang mở rộng hệ thống giao thông công cộng, mở rộng hệ thống đường sắt đô thị đồng thời triển khai dự án đường sắt cao tốc với tổng vốn đầu tư ước khoảng 8,68 tỷ USD. Còn tại Thái Lan, mặc dù thủ đô Bangkok được coi là mô hình để chính phủ nhiều nước mới nổi khác học theo trong nỗ lực giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông, song chính phủ nước này vẫn đang tiếp tục triển khai hệ thống đường sắt kết nối giữa trung tâm TP với sân bay giúp giảm mạnh tình trạng ách tắc.

Nhu cầu giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông của các nước Đông Nam Á đang biến khu vực này trở thành thị trường hứa hẹn cho giới đầu tư đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc. Hai quốc gia lớn này đang chạy đua nhau để giành được quyền triển khai các hệ thống giao thông công cộng bao gồm tàu điện ngầm, tàu điện trên không tại các nước khu vực Đông Nam Á. Các khoản hỗ trợ tài chính thường đi kèm với điều kiện về việc hoạt động tư vấn, công nghệ ứng dụng và công ty tham gia xây dựng hệ thống sẽ do bên cấp tín dụng lựa chọn.

Cho đến hiện tại, hệ thống metro tại Jakarta (Indonesia), TP Hồ Chí Minh và Manila (Philippines) đang được cấp vốn bởi nhà đầu tư Nhật và do JICA tư vấn. Tuy nhiên, một quan chức của JICA tại khu vực thừa nhận, cơ quan này bắt đầu cảm nhận được sự cạnh tranh từ phía Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc thừa nhận, cơ hội tại khu vực Đông Nam Á là rất rõ ràng. Với dân số hơn 620 triệu người và nền kinh tế khu vực trị giá 2,6 nghìn tỷ USD, tiềm năng cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây là khổng lồ.