Giao thông tại kênh đào Suez tê liệt, hơn 9 tỷ USD hàng hóa bị gián đoạn mỗi ngày

Nguyễn Thu (Theo AP, Bloomberg)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tạp chí vận tải nổi tiếng Lloyd’s List ước tính, tình trạng đình trệ giao thông tại kênh đào Suez của Ai Cập làm hơn 9 tỷ USD hàng hóa bị tắc nghẽn mỗi ngảy.

Số liệu trên được tính toán dựa trên phân tích của tạo chí Lloyd's List, trong đó ước tính lưu lượng hàng hóa qua kênh đào Suez từ phía Tây mỗi ngày trị giá khoảng 5,1 tỷ USD, còn lượng hàng hóa từ phía Đông trị giá khoảng 4,5 tỷ USD.
Tàu container khổng lồ Ever Given, đang trên hải trình từ Trung Quốc đến cảng Rotterdam của Hà Lan, hôm 23/3 bị mắc cạn và xoay ngang trên kênh đào Suez.
Theo Leth Agencies - đơn vị cung cấp dịch vụ tại kênh đào Suez, ước tính hiện tại có khoảng 150 tàu đang chờ để đi qua Kênh đào Suez.
Từ ngày 23/3 đến nay, tuyến hàng hải bận rộn nhất thế giới này rơi vào cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng sau khi tàu container khổng lồ Ever Given, đang trên hải trình từ Trung Quốc đến cảng Rotterdam của Hà Lan, bị mắc cạn và xoay ngang trên kênh đào Suez.

Trong ngày 25/3, tàu chở container khổng lồ Even Given treo cờ Panama vẫn chưa thể di chuyển qua kênh đào Suez. Nhiều tàu kéo và máy xúc đã được triển khai để cứu hộ nhưng không thành công. Tàu Ever Given được đóng từ năm 2018, nặng 220.000 tấn, dài 400m, rộng 59m, có khả năng chở 20.000 container, thuộc loại tàu hàng hải mới, được gọi là tàu container siêu lớn.

Kênh đào Suez đi vào hoạt động từ năm 1869, là một trong những tuyến hàng hải đông đúc bậc nhất thế giới với nhiều tàu chở dầu thô, hàng hóa từ Trung Đông sang châu Âu và Bắc Mỹ.
Kênh đào Suez hiện đem lại nguồn thu ngoại tệ hàng đầu của Ai Cập. Khoảng 12% thương mại toàn cầu, gần 10% dầu mỏ vận tải đường biển và 8% khí LNG toàn cầu được vận chuyển quan kênh đào này.

Theo Cơ quan Giám sát kênh đào Suez (SCA), trong năm 2020, gần 19.000 lượt tàu thuyền đã đi qua kênh đào Suez với tổng trọng tải khoảng 1,17 tỷ tấn.

Trước tình trạng gián đoạn giao thương tại kênh đào Suez từ ngày 23/3 đến nay, ngày 25/3, chủ sở hữu người Nhật Bản của con tàu Even Given đã gửi thư xin lỗi vì sự cố này. “Chúng tôi quyết tâm khắc phục sự cố này càng sớm càng tốt” - công ty Shoei Kisen Kaisha Ltd cho biết trong một lá thư. “Chúng tôi muốn gửi lời xin lỗi đến tất cả các bên bị ảnh hưởng bởi sự cố này, bao gồm cả các tàu du lịch và tàu hàng đang trên đường lưu thông qua kênh đào Suez”.

Tại Nhật Bản, Chánh văn phòng Nội các Katsunobu Kato nói với các phóng viên hôm 25/3 rằng kênh đào Suez là một phần của tuyến đường biển quốc tế quan trọng và chính phủ Nhật Bản đang thu thập thông tin và làm việc với chính quyền địa phương.

Vụ mắc cạn tại kênh đào Suez hôm 23/3 vừa qua là sự cố thứ hai của tàu Ever Given trong những năm gần đây. Vào năm 2019, con tàu này cũng bị mắc kẹt khi qua phà trên sông Elbe ở TP cảng Hamburg (Đức). Các nhà chức trách vào thời điểm đó cho rằng gió mạnh đã gây ra vụ va chạm khiến con phà bị hư hỏng nặng.

Sự gián đoạn trên kênh đào Suez - kết nối Biển Đỏ với Địa Trung Hải - diễn ra khi kênh cung ứng toàn cầu đang vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19, tình trạng thiếu hụt chip máy tính toàn cầu và điều kiện thời tiết bất lợi.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần